“Mỏ vàng” bảo hiểm
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một kênh phân phối bảo hiểm khá hiệu quả là kết hợp với các ngân hàng hay còn được gọi là bán chéo bảo hiểm (bancassurance).
Theo các chuyên gia, đây là một kênh phân phối thuận tiện, lợi ích mang lại cho cả khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng. Thống kê từ báo cáo tài chính năm 2022 tiếp tục là một năm “bội thu”, “mỏ vàng” của khá nhiều ngân hàng ở mảng doanh thu phí bảo hiểm.
Cụ thể, năm 2022 đã được kiểm toán, nhiều ngân hàng thu về hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Chẳng hạn, MB có hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life, năm 2022 đã thu về hơn 10.180 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 72% tổng doanh thu mảng dịch vụ.
Manulife Việt Nam và Techcombank cũng đã nhiều năm ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền, giúp mang lại hơn 1.750 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm cho Techcombank trong năm ngoái. Việc hợp tác độc quyền với bảo hiểm AIA Việt Nam cũng giúp VPBank gặt hái được hơn 3.350 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 42% so với năm trước…
Tính trên toàn thị trường, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng chiếm khoảng 39% tổng doanh thu phí khai thác mới và chiếm bình quân 37% tổng thu nhập phí của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, bảo hiểm là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù với rất nhiều vấn đề nghiêm ngặt trong các điều khoản của hợp đồng, khiến người mua, thậm chí là chính nhân viên tư vấn cũng không hiểu đúng và rõ ràng. Bên cạnh đó, câu chuyện ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm cũng đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý.
Thị trường bảo hiểm được coi là một trong các kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Nhưng thực tế, ngành bảo hiểm ở Việt Nam còn gặp khá nhiều định kiến, không chỉ riêng với kênh phân phối qua ngân hàng mà cả kênh phân phối trực tiếp do nhiều vụ việc “lùm xùm” đã và đang xảy ra. Câu chuyện về bảo hiểm mà diễn viên Ngọc Lan phản ánh là một ví dụ.
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo hiểm là dạng sản phẩm tài chính phức tạp, nhiều vụ tranh chấp cho thấy quyết định mua bảo hiểm của khách hàng xuất phát từ việc tin vào những yếu tố mời chào hấp dẫn từ một số nhân viên ngân hàng hơn là dựa trên nghiên cứu, nhận thức rõ về sản phẩm bảo hiểm.
Đến khi gặp phải các chế tài phạt hay những yếu tố bất lợi, khách hàng mới khiếu kiện về những vấn đề bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa dối trong việc mua bảo hiểm.
Tăng cường giám sát và thanh tra, kiểm tra
“Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Việc một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, đi ngược lại với bản chất của bảo hiểm”, Bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phân tích.
Do vậy, thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra những chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng; đồng thời thông báo sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Nhưng các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện vấn đề pháp lý về quản lý cơ chế giao kết giữa hệ thống ngân hàng với các công ty bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Để siết chặt hơn, chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến bảo hiểm. Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH 15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối này, cụ thể, bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức.
Ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ; giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (hiện đang trình Chính phủ để xem xét, thông qua) cũng đã được Bộ Tài chính bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn đối với kênh phân phối này.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn: baodansinh.vn