Quyết đoán nhưng thận trọng trong khởi động lại du lịch ở Đông Nam Á

27/11/2021 01:21 Chiều

Nắm bắt cơ hội từ các đợt nghỉ lễ dài cuối năm, các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện các bước thận trọng để mở lại biên giới cho khách du lịch đã có chứng nhận tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Những tín hiệu khả quan

Những nỗ lực trước đó nhằm hình thành “bong bóng” du lịch giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực đã phải hủy bỏ sau đợt bùng phát các ca nhiễm mới do biến thể Delta hồi tháng 7. Làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng vào thời điểm đó đã đẩy các hệ thống chăm sóc y tế đến bờ vực và buộc các quốc gia trong khu vực phải đóng cửa biên giới một lần nữa.

Du khách nước ngoài đến sân bay quốc tế Phuket theo chương trình Phuket Sandbox. Nguồn: AFP.

Theo ước tính của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, trước khi xảy ra đại dịch, du lịch và lữ hành đóng góp hơn 380 tỷ USD, tương đương với 12% GDP của Đông Nam Á. Tình trạng đóng cửa biên giới kéo dài có thể khiến khu vực này thiệt hại tới 8,4% GDP vào năm 2021, theo một báo cáo được công bố hồi tháng 6 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Báo cáo này cũng đưa ra dự đoán chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Đông Nam Á sẽ giảm 82% trong năm nay.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, xu hướng cho thấy các quốc gia đều ghi nhận số trường hợp nhiễm mới và tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện giảm rõ rệt nhờ các chiến dịch tiêm chủng được thúc đẩy liên tục. Các chính phủ ở các quốc gia Đông Nam Á gần như đồng thời, nhưng thận trọng, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Một số nước đang tìm cách mở cửa lại lĩnh vực du lịch với hy vọng phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 trong suốt 2 năm qua.

Tại Thái Lan, nơi du lịch đóng góp gần 18% GDP nhờ gần 40 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019, dữ liệu của Chính phủ cho thấy quốc gia này chỉ đón được 6,9 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng năm 2020, phần lớn đến từ Trung Quốc (1,2 triệu).

Cơ quan Du lịch Thái Lan dự đoán, ngành ​​du lịch còn tiếp tục chứng kiến sự suy giảm hơn nữa vào năm 2021 vì du lịch xuyên biên giới vẫn bị hạn chế, với lượng khách quốc tế dự kiến ​​đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 1 triệu lượt khách trong năm nay. Vào ngày 1.7, Chính phủ Thái Lan thúc đẩy Chương trình Phuket Sandbox nhằm cho phép khách du lịch quốc tế ghé thăm hòn đảo này mà không phải cách ly với mục tiêu có thể thu hút được 600.000 khách cả nội địa và quốc tế trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, chương trình này chỉ thu lại thành công hạn chế sau 2 tháng đầu tiên ra mắt với chỉ hơn 26.000 du khách đến thăm hòn đảo nghỉ dưỡng của Thái Lan, thấp hơn nhiều so kỳ vọng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp du lịch địa phương hy vọng vào mùa cao điểm du lịch sắp tới với các đợt nghỉ lễ Giáng sinh, Năm mới, kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 sẽ mang lại động lực mới cho ngành du lịch. Trước cơ hội này, Thái Lan đã quyết định mở rộng chương trình sandbox ra các địa phương thu hút du lịch khác như Bangkok, Krabi và Phangnga, cho phép khách du lịch nước ngoài từ “bất kỳ quốc gia nào trên thế giới” đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 có thể đến tham quan.

Tại Indonesia, một số hòn đảo, bao gồm cả Bali, đã mở cửa trở lại từ ngày ngày 14.10. Indonesia nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở châu Á, chính thức ghi nhận hơn 4 triệu trường hợp nhiễm virus và 144.000 trường hợp tử vong. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trước đây là tâm chấn của đại dịch ở châu Á, với số ca nhiễm mới hàng ngày vượt qua Ấn Độ vào tháng 7. Tuy nhiên, con số này đã giảm từ hơn 56.000 trường hợp vào đỉnh điểm của đợt bùng phát thứ hai vào giữa tháng 7 xuống dưới 360 trường hợp vào ngày 13.11.

Đảo quốc giàu có Singapore cũng đã mở rộng các tuyến đường du lịch không có kiểm dịch tới 21 quốc gia, trong đó Ấn Độ, Indonesia, Qatar, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất. Mặc dù đất nước này đang phải chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất của mình, với số ca nhiễm mới hàng ngày dao động từ 2.000 đến 3.000 trường hợp, nhưng nhờ phủ sóng vaccine rộng rãi, 98% các trường hợp mắc Covid-19 gần đây đều là các ca không có triệu chứng hoặc rất nhẹ.

Bên kia đường biên giới, nước láng giềng Malaysia cũng đang trong quá trình mở rộng các tuyến đường du lịch bao gồm Brunei và Qatar, sau khi họ ký kết các thỏa thuận du lịch với Singapore và Indonesia vào tuần trước.

Tăng cường tiêm chủng kết hợp với mở cửa thận trọng

Tuy nhiên, ở những nơi khác của khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, trong đó Indonesia và Philippines, hai trong số các quốc gia đông dân nhất ở Đông Nam Á – đều có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%, theo Our World in Data.

Với tỷ lệ phủ sóng còn thấp như vậy, các chuyên gia cho rằng, Đông Nam Á có thể phải trải qua một đợt gia tăng ca nhiễm Covid-19 mới, dựa trên những gì đang xảy ra ở Mỹ và châu Âu. Câu hỏi đặt ra là liệu các hệ thống chăm sóc sức khỏe của khu vực có thể chịu đựng được khi đối mặt với một đợt bùng phát nghiêm trọng mới hay không?

Việc sử dụng các mũi tiêm nhắc lại là cách hứa hẹn nhất để hạn chế sự gia tăng do virus Delta, vì tiêm chủng vẫn là cách tốt nhất để chống lại virus Corona. Các quốc gia như Singapore, Campuchia và Malaysia, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất trên toàn cầu, đã bắt đầu thực hiện tiêm nhắc lại cho các nhóm nguy cơ cao với hy vọng giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, các quốc gia hiện nên tăng cường công suất ICU của mình và có một kho dự trữ thiết bị chuyên dụng. Tại Singapore, Bộ Y tế có thể tăng công suất giường ICU lên 1.000 từ 380 giường ICU hiện tại ở tất cả các bệnh viện.

Tại Malaysia, Chính phủ gần đây đã tổ chức một cuộc tập trận với sự tham gia của các nhân viên y tế và các cơ quan liên quan để mô phỏng các tình huống xấu nhất nhằm chuẩn bị cho nguy cơ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.

Với các biện pháp tăng cường và khẩn cấp được áp dụng, các quốc gia chỉ có thể hy vọng rằng họ đã làm đủ để chuẩn bị khi làn sóng lây nhiễm mới ập đến. Nhưng hiện tại, khi nền kinh tế Đông Nam Á bắt đầu chững lại, khu vực này buộc phải chọn cách mở cửa biên giới và kích hoạt ngành du lịch.

Theo ĐBND

Cùng chuyên mục

Thác Bản Giốc lọt top 21 thác nước đẹp nhất thế giới

27/05/2024 08:49 Sáng

Thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) có tên trong danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới năm 2024 do tạp chí du lịch danh tiếng của Mỹ Travel+Leisure bình chọn.

Thị trường du lịch Tết Nguyên đán khả quan hơn khi TP Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh

25/01/2022 07:52 Chiều

TP Hồ Chí Minh đã 3 tuần liên tiếp duy trì được vùng xanh, nhiều người dân đã được tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa COVID-19. Đây là một trong những yếu tố khiến thị trường du lịch Tết Nguyên đán khởi sắc hơn.

Chuẩn bị mở cửa lại hoạt động du lịch trên cả nước

28/02/2022 07:59 Sáng

Bộ VHTT&DL vừa có văn bản gửi các địa phương trên toàn quốc về công tác chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3.

Ý nghĩa Tết cổ truyền và văn hóa ẩm thực của Việt Nam

29/01/2024 05:57 Sáng

Tết cổ truyền Việt Nam là ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc, diễn ra vào đầu năm mới theo lịch âm. Tết cổ truyền mang ý nghĩa tôn vinh và gìn giữ các giá trị truyền thống, cũng như cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn, hạnh phúc.

Công viên nước lớn nhất Việt Nam công bố giá vé hấp dẫn mừng kỷ niệm sinh nhật 1 tuổi

26/04/2023 08:35 Chiều

Ngày 30/4/2023, Vịnh Kỳ Diệu – The Amazing Bay (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), siêu công viên nước lớn nhất Việt Nam với 30 đường trượt nhập khẩu Canada chính thức tròn 1 tuổi.

Đối tác