Trung tâm SAS cơ sở Hoàng Diệu 2, TP.Thủ Đức vẫn đang trong tình trạng đóng cửa
Chiều 23-10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có công văn gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện, đề nghị hỗ trợ rà soát thông tin hoạt động giáo dục thực tế của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn để Sở nắm sát tình hình hoạt động giáo dục thực tế của các trung tâm sau khi dịch COVID-19 ổn định.
Việc rà soát báo cáo về Sở trước ngày 27-10-2021.
Trước đó, hàng ngàn học viên đăng ký học tại các Trung tâm ngoại ngữ SAS tại TP.HCM đã bức xúc, hoang mang khi trung tâm này bất ngờ đóng cửa, tuyên bố ngừng hoạt động dù đã thu học phí của học viên cả chục triệu đồng mỗi người. Học viên, giáo viên, nhân viên của Trung tâm và cả Sở GD-ĐT cũng không thể liên lạc được với Giám đốc điều hành Trung tâm- ông Đỗ Văn Quản.
Mới đây, nhiều phụ huynh của Trung tâm ngoại ngữ Pixar cũng đã nháo nhào… đi tìm chủ đầu tư khi dù đã đóng học phí cho connhưng suốt thời gian TP.HCM giãn cách phòng chống dịch COVID-19, trung tâm không tổ chức dạy học, không có thông báo cụ thể. Trong khi đó, số điện thoại của giám đốc, hotline trung tâm cũng không liên lạc được, trụ sở chính của trung tâm đóng cửa, các trụ sở khác treo biển “cho thuê nhà”.
Song, trái với sự im lặng của trung tâm SAS, Giám đốc Trung tâm Pixar Vũ Văn Bản Ngọc đã có thông báo đến phụ huynh, cho biết sẽ đối thoại với phụ huynh vào ngày 24-10 bàn về việc chuyển đổi học online cho trẻ và thông báo di dời địa điểm khi được cho phép hoạt động trở lại.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ tháng 5-2021 đến nay, các trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM buộc phải dừng hoạt động trực tiếp. Một số ít trung tâm chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang trực tuyến… Tuy nhiên, chi phí mặt bằng cùng các chi phí phát sinh khác trong thời gian nghỉ dịch lớn đã khiến nhiều trung tâm rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến đầu năm 2021, toàn TP có hơn 1.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang được cấp phép hoạt động giáo dục.
Yến Hoa