Quản lý bệnh tiểu đường type 2 không chỉ cần thuốc, mà còn phải kết hợp thay đổi lối sống, chọn thực phẩm lành mạnh. Có những thói quen người bệnh tiểu đường nghĩ tốt nhưng áp dụng không đúng cách có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát bệnh.
– Mua thực phẩm không đường: Không phải tất cả sản phẩm không đường đều tốt với người bệnh tiểu đường. Một số loại không đường có thể chứa chất thay thế đường, nhiều carb làm tăng lượng đường trong máu. Nên kiểm tra thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, lượng carb, đường, chất làm ngọt trong mỗi khẩu phần thay vì quá quan tâm yếu tố “không đường”.
– Bổ sung nhiều vitamin và chất bổ sung: Chế độ ăn uống nhiều rau củ quả cung cấp vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bữa ăn cần cân đối các nhóm chất đạm, bột đường, béo; tránh chỉ ăn rau củ quả làm mất cân bằng dưỡng chất. Trước khi bổ sung vi chất, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ về tương tác thuốc có thể xảy ra, tránh biến chứng tiểu đường. Dùng nhiều sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất không tốt cho sức khỏe.
– Uống nước trái cây: Một cốc nước táo ép có 25 g đường và 0,5 g chất xơ. Trong khi một quả táo chỉ chứa khoảng 19 g đường và nhiều chất xơ hơn (4,5 g). Thay vì uống nước ép, người bệnh tiểu đường nên ăn trực tiếp trái cây để ổn định đường huyết tốt hơn.
– Dùng thanh giảm cân thay thế bữa chính: Một số thanh giảm cân chứa lượng calo nhất định, thêm các thành phần như rượu đường (ví dụ như sorbitol, mannitol) không có lợi cho dạ dày. Nếu ăn thanh giảm cân, người bệnh tiểu đường nên xen kẽ bữa chính để cân bằng dinh dưỡng, chọn loại ít calo.
Uống nhiều nước ép có thể làm tăng đường huyết.
– Dùng soda dành cho người ăn kiêng: Thức uống này không chứa calo, không chứa carbohydrate và không đường. Người thừa cân sử dụng soda dành cho người ăn kiêng có thể hấp thụ calo từ thực phẩm nhiều hơn bình thường. Bởi họ nghĩ rằng đang kiêng một lượng calo từ đồ uống nên có xu hướng “thả ga” hơn khi chọn thức ăn giàu calo.
– Soda ăn kiêng còn chứa chất làm ngọt nhân tạo. Các chất tạo ngọt nhân tạo trong đồ uống này có thể kích thích các cơ quan cảm thụ vị ngọt, khiến cơ thể thèm ăn đồ ngọt hơn. Cơ thể khó hấp thu chất chất tạo ngọt nhân tạo còn dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
– Tránh hoàn toàn thực phẩm giàu chất béo: Chất béo lành mạnh cần thiết cho hoạt động chuyển hóa, tốt cho sức khỏe. Chất béo trong các loại hạt như hạt lanh, hạnh nhân, óc chó có thể làm giảm lượng đường trong máu. Nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán.
– Dùng đồ ăn nhẹ chỉ 100 calo: Nhiều người nghĩ rằng đồ ăn vặt như khoai tây chiên, bánh nhỏ chỉ 100 calo không ảnh hưởng đến đường huyết. Tuy nhiên, ăn từng gói nhỏ, nhiều lần trong ngày dễ làm lượng đường trong máu thay đổi mất kiểm soát.
NT (theo khoahoc.tv)