Vượt lên “bão” COVID-19
Phân tích về bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng trong quý đầu tiên của năm 2022, dù dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, sáng 29.3, tại cuộc họp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I/2022, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý II/2020.
“Tăng trưởng GDP vượt mốc 5% và tăng dần qua các quý. Điều này cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi và những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để kinh tế không lỡ nhịp với đà phục hồi đã phát huy hiệu quả” – bà Nguyễn Thị Hương
Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế, xã hội trong quý I có nhiều điểm lạc quan. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2022 ước đạt 88,58 tỉ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỉ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỉ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%. Trong quý I/2022 có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 58%). Tính chung quý I/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỉ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,16 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỉ USD.
Trong quý I/2022, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) cho thấy DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2022 với 82,3% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I/2022.
“Đây là kết quả quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh” – bà Nguyễn Thị Hương nói.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), gói hỗ trợ tạo tổng cầu mạnh và niềm tin vào nền kinh tế trên đà phục hồi thúc đẩy cả đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư công có khả năng có chuyển biến quan trọng tạo sức lan tỏa mạnh. Doanh nghiệp thành lập mới tăng… Đó là những tín hiệu tốt trong bức tranh kinh tế Việt Nam ở quý I/2022.
“Điều này cho thấy tăng trưởng có thể kỳ vọng bứt phá trong thời gian tới, xuất nhập khẩu năm 2022 có thể đạt con số kỷ lục mới 750 tỉ USD, tăng trưởng GDP có thể cán mức 6,5-7%” – PGS-TS Nguyễn Thường Lạng lạc quan nhận định.
Nền kinh tế vẫn cần sự bứt phá
Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý: Mức tăng trưởng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. “GDP tăng ở mức chỉ trên 5% cho thấy nền kinh tế vẫn chưa có sự bứt phá, tốc độ tăng tiêu dùng và tích lũy còn chậm” – TS Nguyễn Đức Độ cảnh báo.
Ở góc độ quản lý, Bộ KHĐT cũng nhìn nhận thực tế khó khăn trước mắt và lâu dài là, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraina vẫn căng thẳng, tăng trưởng GDP ở một số thị trường lớn của Việt Nam như: Mỹ, Châu Âu (EU)… được dự báo giảm, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ trở nên rất thách thức nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP quý I/2022 vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.
Chủ tịch JCI Việt Nam Vũ Tuấn Anh cũng lưu ý, mặc dù tính chung quý I/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD, nhưng vẫn thấp hơn so với (cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỉ USD). Điều đáng nói là, tỉ lệ xuất siêu chỉ tập trung vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. “Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 6,16 tỉ USD trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,97 tỉ USD. Đây là vấn đề cần được quan tâm và sớm có giải pháp cải thiện” – ông Vũ Tuấn Anh nói.
* PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Số liệu quý I/2022 phản ánh nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng. Thị trường đang hồi sinh mạnh mẽ như du lịch, logistics. Khởi nghiệp có khả năng tăng, tạo đợt sóng mới khi động lực thị trường bộc lộ. Cho dù xung đột Nga – Ukraina diễn ra nhưng đà tăng lên mạnh của nền kinh tế sẽ vượt qua do điều kiện thương mại cải thiện, vượt qua tác động trái chiều thậm chí tạo thêm cơ hội ngoài kỳ vọng.
* Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê: Bước sang quý II/2022, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu… Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Laodong.vn