Tại khu vực Đông Nam bộ, đến hết quý 1, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 1,24%). Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,61%).
Riêng tín dụng bất động sản (BĐS) đạt khoảng 2,67 triệu tỉ đồng, tăng 3,51% so với cuối năm 2022, chiếm 21,83% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,12%, trong đó, dư nợ BĐS khu vực Đông Nam bộ gần 1,1 triệu tỉ đồng, giảm 1,74% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 41,12% tổng dư nợ tín dụng BĐS.
Mặc dù là khu vực kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước, tổng GRDP năm 2022 của khu vực chiếm 30,8% cả nước, nhưng tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp. Cụ thể như TP Hồ Chí Minh tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%, hoặc tăng trưởng âm như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135 nghìn tỷ đồng (chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng), ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng (chiếm 26%), ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ (chiếm 70,8%). Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh điều phối Hội nghị ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh tế vùng Đông Nam bộ, chiều 11/5.
Cũng theo NHNN, nhiều NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 6,3%/năm, giảm khoảng 0,18% so với cuối năm 2022 (trong đó 29 NHTM giảm lãi suất tiền gửi). Lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,3%/năm, giảm khoảng 0,65%/năm so với cuối năm 2022 (trong đó 26 NHTM giảm lãi suất cho vay).
Thanh Nguyên