Sau khi nền kinh tế có thời gian giảm sâu khi chịu tác động mạnh mẽ từ biến động tài chính trong và ngoài nước do dịch COVID-19, cùng với các chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện, đến nay thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu hồi phục trở lại. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc hoạt động để tập trung phát huy với những điểm mạnh, đồng thời hạn chế các điểm yếu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VIG cho biết, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn của giới đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có ngành tài chính tiền tệ.
Chỉ số VN-Index có hiệu suất tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Thanh khoản thị trường đã liên tục bùng nổ và đạt mức trung bìnhh hơn 20.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 08/2023 (tương đương giai đoạn đỉnh cao của TTCK ở năm 2021), qua đó phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng thị trường trong giai đoạn cuối 2023. Bên cạnh đó, sự trở lại của nhà đầu tư trong nước cũng như môi trường lãi suất thấp cùng với kết quả kinh doanh cải thiện là các yếu tố chính thu hút dòng tiền vào TTCK.
Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 8 là 188.000 tài khoản. Số tài khoản mở mới trong 8 tháng đầu năm 2023 là 720.000 tài khoản. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán ngày càng rõ ràng.
“Dòng tiền luôn luôn thông minh, nó sẽ chảy từ nơi có ít cơ hội sang nơi có tỉ lệ cơ hội cao hơn. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 là 10% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán, tương đương 10 triệu tài khoản. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, cả nước đã có gần 7,7 triệu tài khoản”, bà Hằng nói
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ViCK đánh giá, ở thời điểm hiện tại thì điểm chứng khoán của thị trường đang ở mức thấp, giống như cách đây 16 năm (năm 2007). Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ không bị “gãy”. Thị trường sẽ có những điểm số mới, đỉnh cao mới trong cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thị trường Carbon Credit phát triển, ông Lê Anh Hoàng, Phó Việ trưởng Viện tư vấn phát triển CODE- Giám đốc công ty tài chính Carbon Giant Barb, cho rằng Việt Nam chưa có một thị trường carbon trong nước để vận hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu tiêu chuẩn về dấu vết carbon (Carbon foorprint) dẫn đến một số doanh nghiệp có khả năng gặp các khó khăn trong tương lai trong cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn và có yêu cầu cao.
Các thị trường lớn trên thế giới đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định về carbon đối với các hàng hóa nhập khẩu vào thị trường họ, do đó sự không đồng nhất giữa các quy định, thị trường carbon của Việt Nam và thế giới sẽ khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam giảm đi tính cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ cho các khách hàng lớn trên thế giới.
Ông Lê Hoàng Anh cho rằng, đối với chính phủ, định giá carbon là một trong những công cụ chính sách khí hậu, đem lại nguồn thu quan trọng từ thuế carbon hay đấu giá các hạn ngạch phát thải. Từ nguồn thu này, chính phủ có thể đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu hoặc hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.
Đối với doanh nghiệp, việc nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung.
Đối với nhà đầu tư, định giá carbon giúp phân tích tác động của chính sách BĐKH đối với các danh mục đầu tư cũng như phân bổ lại vốn cho các hoạt động phát thải thấp hoặc thích ứng với khí hậu. Thông qua định giá carbon, các nhà đầu tư có thể xác định chi phí cũng như lợi ích của các khoản đầu tư để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.
Thanh Nguyên