Mỗi tỉnh thành cần bù đắp hàng chục nghìn lao động
Theo ông Củ Phát Nghiệp, những lao động nghỉ việc thời gian qua không biết phải chờ đến bao giờ mới được quay lại làm việc nên đã về quê nhiều. Một phần để tiết kiệm chi phí, một phần vì lo sợ nhiễm bệnh ở nơi đất khách quê người, phần nữa vì đã gần đến Tết, người lao động mong muốn ở gần gia đình.
Mặc dù doanh nghiệp đã có thể đưa đón công nhân từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh đến làm việc như trước, số này chỉ khoảng 15.000 người. Ông Nghiệp cho biết Pouyuen Việt Nam có đến 41.000 lao động ngoại tỉnh trước đây ở trọ tại TP.HCM. Để tuyển mới bù đắp hoặc thu hút số lao động này quay lại làm việc khi công ty khôi phục sản xuất là một bài toán khó.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực TP.HCM, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM trong quý III là 43.600-56.800 người. Con số này trong thời gian tới ở Bình Dương là khoảng 40.000-50.000 người, theo dự báo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương.
Còn Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết trong sáng 3/10, có 28 doanh nghiệp đã tham gia sàn giao dịch trực tuyến với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động. Nhu cầu lao động phổ thông lên đến hơn 4.500 người.
Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM (Agtek) – nhìn nhận nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động là sự lúng túng của chính quyền các địa phương.
Cả chính quyền lẫn doanh nghiệp đều lúng túng, hậu quả là người lao động gặp khó, hoang mang, đành về quê
“Thời gian qua chúng ta chưa có chiến lược phòng dịch rõ ràng nên doanh nghiệp không nắm được lộ trình đóng – mở cửa. Các gói an sinh xã hội cũng chưa được quan tâm đúng mức, từ văn bản đến thực tế có độ trễ chưa được lường trước.
Do đó cả chính quyền lẫn doanh nghiệp đều lúng túng, hậu quả là người lao động gặp khó, hoang mang, đành về quê”, ông Việt nói.
Đáng chú ý, nhu cầu lao động không chỉ xuất hiện ở phân khúc lao động phổ thông. Bởi lẽ lao động có tay nghề và chuyên môn cao cũng từng hứng chịu làn sóng cắt giảm nhân sự hoặc ảnh hưởng tâm lý do đại dịch.
Khi COVID-19 quay lại lần thứ 4, Minh Yến (23 tuổi, quê Gia Lai) quyết tâm từ bỏ công việc lương cao ở một công ty đa quốc gia tại TP.HCM để về quê. Đại dịch khiến nữ nhân viên văn phòng này cảm thấy ngột ngạt và mong muốn có cơ hội “tạm nghỉ”, cân nhắc lại hướng đi cho tương lai.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong các ngành có tiềm năng phát triển sau COVID-19 cũng đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, từ đầu năm đến nay, LiveSpo Global vẫn liên tục chào đón hàng trăm nhân sự mới tương ứng với 37 chức danh, từ giám đốc chiến lược cấp cao đến các vị trí sản xuất, phát triển thị trường kinh doanh trong và ngoài nước.
“Bộ phận Sales & Marketing có nhu cầu tuyển dụng cao và liên tục, đặc biệt là đội ngũ trình dược viên để bổ sung cho khắp cả nước, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM”, bà Đinh Phương Lý, Giám đốc nhân sự và phát triển tổ chức của công ty cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu lao động, LiveSpo Global đang linh động kết hợp tuyển mới lẫn phát triển nguồn lực nội bộ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có chính sách thu hút lại một số lao động cũ đã từng gắn bó.
Cần chăm sóc sức khỏe tinh thần của người lao động
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), thiếu hụt lao động chỉ là vấn đề ngắn hạn. Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp không thể duy trì “3 tại chỗ” trong giai đoạn vừa rồi. Còn những đơn vị vẫn hoạt động và có đơn hàng thì còn giữ được công nhân, dù không đến mức 80-90% lực lượng.
“Tuy nhiên, đây mới là nhận định và quan sát của tôi ở một số nhà máy, cần có bức tranh tổng thể mới đánh giá chính xác vấn đề. Do đó HAWA đang khảo sát các doanh nghiệp hội viên, và đến cuối tháng sẽ có hội thảo lớn về phục hồi sản xuất ngành gỗ, trong đó tập trung vào vấn đề lao động”, ông Phương cho biết.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt cũng cho rằng tình trạng khan hiếm lao động sẽ dần được giải quyết bởi Chính phủ đã xác định doanh nghiệp là chủ thể, còn người lao động là trung tâm trong phòng chống dịch.
Với ngành dệt may TP.HCM, để đáp ứng bộ tiêu chí an toàn, các doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất và chỉ cần một nửa lực lượng lao động so với trước. Do đó mức thiếu hụt không quá nặng nề, chỉ khoảng 20% lao động phổ thông. “Nếu có thể bổ sung từ nay đến hết tháng 10 thì tình hình sẽ ổn định trở lại”, ông đánh giá.
Vị này cho rằng việc triển khai hiệu quả các gói an sinh và khai thông “biên giới” các tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện để người lao động quay trở lại.
Trong khi chờ cơ quan chức năng tháo gỡ những nút thắt này, các doanh nghiệp cũng phải tự đưa ra giải pháp để giữ chân lao động sẵn có, đồng thời thu hút những lao động cũ và mới.
Pouyuen Việt Nam cho biết vẫn trả lương cho công nhân không thể đi làm từ tháng 6. Đến tháng 9, mức 50% lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội tiếp tục được duy trì. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực “phủ” vaccine cho toàn bộ công nhân để họ có thể đi làm trở lại.
Còn ở góc nhìn của ông Phạm Văn Việt, lao động quay lại thành phố sẽ gặp vấn đề lớn nhất là chỗ ở, do đó doanh nghiệp nên cố gắng bố trí chỗ ở, có thể tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”. Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp mượn các chung cư, trường học, ký túc xá… đang bỏ trống làm nơi cư trú tạm thời cho người lao động.
Trong khi đó, với ông Nguyễn Chánh Phương, vấn đề tâm lý lại rất quan trọng, đặc biệt với những lao động đã và đang là F0. Ngay tại doanh nghiệp của mình, ông Phương cho biết luôn cố gắng giữ liên lạc với những nhân sự này, đồng thời thường xuyên chăm sóc sức khỏe tinh thần và hỗ trợ họ về nhu yếu phẩm.
Tại họp báo chiều 7/10, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM – cho biết từ 1/10 đến 6/10, đã có 9.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.
“Tuy nhiên hiện nay số lao động ở khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ đạt 56,8%, khu công nghệ cao đạt 54,6%. Đó là bài toán lớn đối với thành phố khi nhiều người lao động về quê theo nguyện vọng”, ông Hải đánh giá.
Theo Zing