Diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc và dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10-3/11, cuộc gặp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với sự tham dự của các doanh nghiệp Anh hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đầu tư, tài sản, kiểm toán và bảo hiểm.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam thực hiện chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy mọi nguồn lực; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; và xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, triệt để xóa quan liêu bao cấp, thực hiện hội nhập và nhiều thành phần kinh tế. Thủ tướng khẳng định đây là nền tảng đảm bảo ổn định chính trị, là cơ sở cho môi trường đầu tư ổn định tại Việt Nam.
Trao đổi với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Anh, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hợp tác đầu tư dựa trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đặt mục tiêu là nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập vượt mức trung bình thấp vào năm 2025; trở thành nước đang phát triển công nghiệp hiện đại có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030; và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thủ tướng nhấn mạnh phát triển của Việt Nam dựa vào nội lực với 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và văn hóa; và ngoại lực mang tính đột phá gồm công nghệ, trình độ quản lý và vốn đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết mặc dù là quốc gia đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam vẫn cam kết mạnh mẽ trong phát triển xanh phù hợp xu hướng của thế giới, thể hiện bằng việc Việt Nam đã tham gia mọi cam kết, sáng kiến tại hội nghị COP26 và đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm về hợp tác đầu tư của Việt Nam dựa trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Anh tham gia đóng góp, tư vấn phát triển chính sách và quản trị quốc gia phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng của thế giới. Ảnh: TTXVN
Nói về các cơ hội và lợi thế đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, với chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, là thành viên trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam là một trong những nền kinh tế cởi mở, hội nhập quốc tế sâu rộng nhất trên thế giới với 17 hiệp định thương mại tự do được ký kết, trong đó có nhiều thị trường lớn, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
Việt Nam cũng có chính sách nhất quán đối với các nhà đầu tư, đảm bảo ổn định lâu dài trong sự vận động và phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về thị trường lao động, điều kiện tự nhiên, xã hội và chính sách phát triển bền vững, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo phát triển thông thường.
Thủ tướng chỉ ra rằng truyền thống của người Việt Nam, trong khó khăn, thách thức, luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, là giá trị văn hóa, đồng thời là giá trị kinh doanh của Việt Nam.
Đề cập đến những thách thức, Thủ tướng cho biết Việt Nam không nằm ngoài những thách thức thế giới đang phải đối mặt. Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới nền kinh tế do Việt Nam phải thực hiện các biện pháp hành chính nhằm kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã bắt đầu dần mở cửa trở lại với lộ trình an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Anh. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng cho biết các thách thức khác Việt Nam phải giải quyết bao gồm đầu tư vào hạ tầng chiến lược, cải cách hành chính, hoàn thiện về thể chế và chính sách về thị trường vốn, quy hoạch đầu tư nhằm phát huy các lợi thế, tiềm năng của Việt Nam đồng thời phù hợp với chiến lược đầu tư của nước ngoài. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Anh tham gia đóng góp, tư vấn phát triển chính sách và quản trị quốc gia phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng của thế giới.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, dự báo với các ca mắc COVID-19 bắt đầu giảm nhờ chương trình tiêm vaccine và nền kinh tế mở cửa trở lại, Việt Nam sẽ phục hồi xu hướng tăng trưởng mạnh và có rất nhiều cơ hội đầu tư.
Ông Don Lam bày tỏ hy vọng hơn 40 doanh nghiệp Anh tham dự sự kiện, trong đó có một số công ty đầu tư hàng đầu của Anh và châu Âu, hiện đang quản lý tổng số tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD, có thể đầu tư 1% trong số tài sản này, tương đương 10 tỷ USD vào thị trường Việt Nam.
Trước cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp Anh, Thủ tướng đã có cuộc gặp riêng ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital. Ảnh: TTXVN
Theo ông Ismael Pili, Giám đốc nghiên cứu VinaCapital, cho biết nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6-7% trong 3 năm liên tiếp trước khi bùng phát dịch COVID-19. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương và năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam dự kiến vẫn đạt được mức tăng trưởng 3%. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm 2022, một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Thủ tướng kêu gọi VinaCapital đầu tư vào thị trường chứng khoán, các trung tâm tài chính, lĩnh vực hạ tầng chiến lược của Việt Nam như giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Ảnh: TTXVN
Trước cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp riêng với ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital. Tại cuộc gặp, Thủ tướng kêu gọi VinaCapital đầu tư không những vào thị trường chứng khoán mà cả các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng kêu gọi tập đoàn này đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Thủ tướng đề nghị VinaCapital chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, hồi phục kinh tế sau đại dịch, tư vấn chính sách và quản lý quản trị quốc gia.
Ông Don Lam đã đề xuất đệ trình Chính phủ Việt Nam báo cáo về các nhà đầu tư quốc tế và bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính./.
Hà Văn theo DNHN