Sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài.
Trong bối cảnh tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, nhu cầu, hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số đối với hầu hết các dịch vụ trong xã hội, từ các dịch vụ ngân hàng tài chính, thanh toán cho đến giải trí, giao hàng, gọi xe, lưu trú và ngay cả việc mua sắm, đi chợ hàng ngày,…
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trong đó xác định ngân hàng là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi trước. Thực tế thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt hoạt động thanh toán đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
“Chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, ban hành kịp thời các cơ chế chính sách về chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như mở tài khoản thanh toán trực tuyến eKYC, tiền di động (Mobile money),..
Đổi mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, trong 2 năm qua, ngành ngân hàng đã có những chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân, giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 như giảm 50% phí hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm từ 70% đến 100% phí chuyển mạch bù trừ điện tử, miễn giảm phí dịch vụ thanh toán dịch vụ công, tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.557 tỷ đồng.
Nếu tính cả năm 2020, con số này sẽ lên tới hơn 2000 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.
Theo thống kê của NHNN, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% và tăng tới 42,58% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 51,16% và 29,09%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 76,19% và 88,3%; qua kênh QR Code tăng tương ứng 64,07% và 127,9% về giá trị.
Đến cuối tháng 9/2021, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là 110,92 triệu tài khoản, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ từ tháng 3 năm 2021 đến nay, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 110 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động.
Về định hướng công tác truyền thông-giáo dục tài chính thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết một trong những mục tiêu quan trọng là: Nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính – ngân hàng, TTKDTM, từ đó thay đổi hành vi, thói quen và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ người sử dụng dịch vụ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng… với công chúng mục tiêu là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, người già, hưu trí, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Nội dung truyền thông sẽ tiếp tục đề cập đến các tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức TTKDTM, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán…
Hình thức truyền thông sẽ ngày càng sáng tạo, phong phú, đổi mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0…
Theo báo Dân Sinh