Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tất cả các sản phẩm rau quả xuất khẩu, thì rau quả chế biến chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong kết quả xuất khẩu năm 2022, rau củ quả chế biến chiếm 1/3 lượng kim ngạch. Trong quý I/2023, tỷ lệ này cũng giữ được vị thế, cho thấy xu hướng của người tiêu dùng dần có sự tiếp nhận đối với sản phẩm này.
Theo TTXVN, ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 – 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp làm sản phẩm trái cây nào cũng đủ năng lực làm trái cây chế biến. Bởi đây là ngành hàng cần nguồn vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại mới đủ sức tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây phản ánh, hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, các cơ quan chức năng cần quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu. Có như vậy, trái cây, rau củ quả chế biến mới có thêm cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, việc định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Việc tập trung đúng hướng giúp nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Hiện nay, Việt Nam vẫn xuất khẩu chủ yếu ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Chủ yếu các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp, thân thiện với môi trường.
“Để tăng thêm quảng bá hình ảnh cũng như chất lượng sản phẩm trái cây chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam, các doanh nghiệp cũng gia tăng ứng dụng số, phát triển nền tảng số, thương mại điện tử để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm” – ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Ổng Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sở dĩ quý I/2023 xuất khẩu rau quả chỉ tăng từ 7 – 8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch tăng cao nên tháng 1 và tháng 2 tăng trưởng nóng, sau Tết nhu cầu giảm nên xuất khẩu chậm lại. Mặt khác, khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng thì các thị trường khác không tăng hoặc tăng trưởng chậm lại. Cũng chính vì sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời giá nguyên liệu cũng tăng lên, một số mặt hàng tăng giá mạnh như sầu riêng, thanh long,… điều này khiến cho thị trường các loại trái cây này tại Việt Nam sôi động hơn hẳn.
Nguồn: Doanhnghiephoinhap.vn