90% Startup thất bại và hơn một nửa trong số đó tồn tại không quá 3 năm. Đây là con số không có gì mới lạ khi được các nhà đầu tư cảnh báo từ những năm trước. Đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về những lý do Startup thất bại như thiếu vốn, quản trị tài chính và nhân lực yếu kém, nhu cầu không có, không hiểu đối thủ, mức giá không hợp lý, sản phẩm nghèo nàn, thiếu/sai mô hình kinh doanh…
Công thức khởi nghiệp chung của các startup hiện nay chỉ tập trung chủ yếu vào việc tìm/sao chép ý tưởng, tìm cộng sự, xây dựng sản phẩm, gọi vốn đầu tư và chỉ dừng ở mức startup nào gọi được vốn khủng nghĩa là mình đã thành công. Họ quên đi bản chất cốt lõi của bất cứ mô hình kinh doanh bền vững nào đều phải mang lại giá trị cốt lõi cho khách hàng.
Hình nguồn TTXVN
Việc thấu hiểu thị trường là một nghệ thuật, không đơn giản là tải các báo cáo về xu hướng thị trường, hay hỏi chuyên gia, bạn bè với tư cách là khách hàng. Vì những thông tin này thường chung chung cho toàn ngành hàng, không đủ sâu và cụ thể để trả lời được tường tận các vấn đề cho những mô hình kinh doanh sáng tạo của Startup, vốn thường mới và lạ lẫm với người tiêu dùng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thấu hiểu thị trường và làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có hệ sinh thái khởi nghiệp để hoạt động lan tỏa, hiệu quả hơn và theo hướng “bán cái thị trường cần” chứ không phải “bán cái mình có”. Doanh nghiệp, sinh viên, học sinh vốn có nguồn lực hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức trong chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, miễn giảm thuế…
Tại tọa đàm, các bài tham luận tập trung giới thiệu các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục; giới thiệu một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường; hỗ trợ cho hoạt động đào tạo và xây dựng trung tâm vườn ươm và câu lạc bộ khởi nghiệp cho cơ sở giáo dục; giới thiệu tài sản trí tuệ trong khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các diễn giả còn đề cập đến những chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để doanh nghiệp có thể tiếp cận, vận dụng và thu được kết quả từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo…
Thanh Nguyên