Tốc độ truy cập internet Việt Nam dần trở lại trạng thái bình thường

14/03/2023 04:08 Chiều

Với nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp viễn thông và cơ quan quản lý, chất lượng dịch vụ internet được đánh giá là đang trở về trạng thái bình thường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trưởng phòng Phát triển hạ tầng (Cục Viễn thông) Nguyễn Tiến Sơn cho biết, sau khi các nhà mạng mua thêm nhiều dung lượng cáp quang đất liền kết nối đi quốc tế thì chất lượng dịch vụ internet đang trở về trạng thái bình thường.

Ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết thêm, ngay khi sự cố về 5 tuyến cáp quang biển xảy ra, Bộ TT&TT đã họp với các doanh nghiệp viễn thông có sở hữu dung lượng tuyến cáp kết nối quốc tế bàn biện pháp xử lý, bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông và internet kết nối quốc tế. Hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp ngay khi chưa hoàn tất thủ tục bổ sung dung lượng, các doanh nghiệp đã chia sẻ dung lượng kết nối đi quốc tế cho nhau, đồng thời khẩn trương mua thêm dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải có đảm bảo dự phòng tối thiểu 10% dung lượng nhằm giữ ổn định chất lượng dịch vụ viễn thông và internet đi quốc tế cung cấp cho khách hàng, nhanh chóng phối hợp với đối tác quốc tế để khôi phục cáp quang biển.

Hiện nước ta có khoảng 70.000 doanh nghiệp công nghệ số, hơn 1 triệu công ty ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc internet đi quốc tế bị tắc nghẽn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Theo Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, sự cố cáp quang biển lần này khiến 75% dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế qua cáp quang biển bị ảnh hưởng. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trong khu vực châu Á đều bị ảnh hưởng khi sự cố xảy ra. Trong bối cảnh đó, Bộ TT-TT quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp mở ứng cứu hỗ trợ nhau về băng thông đất liền, đặt lợi ích của người dùng internet Việt Nam lên trên hết.

Chỉ tính riêng VNPT đã mở bổ sung thêm 800Gbps cáp đất liền và tiếp tục mở trong thời gian tới.

“Việc phải mua thêm dung lượng lớn trong thời gian gấp sẽ chịu chi phí rất cao, nhưng đây là vấn đề bắt buộc phải xử lý để đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông và Internet Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Sơn nói.

Đại diện VNPT cho biết, nhằm khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã bổ sung kênh cáp đất liền và tiến hành nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế,tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.

Đại diện Viettel cho hay, họ đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và mở thêm dung lượng đi quốc tế nên đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Theo đánh giá của các nhà mạng, nâng dung lượng kết nối đi quốc tế trên đất liền giúp cải thiện chất lượng dịch vụ Internet khi tuyến cáp quang biển gặp sự cố. Việc các doanh nghiệp viễn thông tăng cường mua thêm dung lượng tuyến cáp trên đất liền sẽ giải được bài toán chất lượng Internet của Việt Nam đi quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn nhằm xử lý sự cố cáp quang biển vì các doanh nghiệp phải mua dung lượng cáp trên đất liền với giá rất cao để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Kết quả là giảm nhiều sự than phiền của người dùng về chất lượng dịch vụ Internet.

Hiện 4/5 tuyến cáp quang biển đã có lịch sửa chữa. Cụ thể, sự cố trên nhánh S6 của tuyến cáp APG sẽ được khắc phục vào khoảng thời gian từ ngày 22/3/2023 đến 27/3/2023; lỗi trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản của tuyến cáp này được sửa chữa từ ngày 5/4/2023 đến 9/4/2023.

Các sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển AAG vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 sẽ được khắc phục trong khoảng thời gian 26/2/2023 đến ngày 15/4/2023.

Sự cố trên tuyến IA hướng Singapore dự kiến được sửa từ 5/4 đến 13/4/2023. Theo đó, đến khoảng giữa tháng 4, đầu tháng 5 dung lượng Internet đi quốc tế sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Thời gian qua, trước tình hình chất lượng internet bị ảnh hưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, thúc đẩy nhanh thêm một số tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. Trong bất kỳ phương án nào (có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài), doanh nghiệp Việt phải giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới. Dự kiến, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Theo Doanhnghiephoinhap.vn

Cùng chuyên mục

Mã độc tống tiền tấn công mạnh nhất vào lĩnh vực viễn thông

18/09/2021 11:15 Sáng

Các tổ chức trong lĩnh vực viễn thông là mục tiêu bị tấn công nặng nề nhất của mã độc tống tiền, sau đó là các cơ quan chính phủ, các đơn vị cung ứng dịch vụ an ninh được quản lý, ngành ô tô và lĩnh vực chế tạo.

Nâng cấp đáng trông đợi trên iPhone 14 Pro sẽ không xuất hiện?

15/03/2022 07:32 Sáng

Thông tin rò rỉ về thế hệ iPhone 14 Pro mới đây có thể khiến nhiều người hâm mộ Apple vô cùng thất vọng.

Sức mạnh điện toán giúp Alibaba thành công trong lễ hội mua sắm 11.11

19/11/2021 08:31 Chiều

Alibaba Cloud, trụ cột về trí tuệ nhân tạo và công nghệ kỹ thuật số của Tập đoàn Alibaba đã chuyển toàn bộ hệ thống và hoạt động của Tập đoàn lên nền tảng đám mây (cloud) trước thềm Lễ hội Mua sắm lớn nhất thế giới.

Bên trong “nhà máy thông minh” chỉ có robot của Nissan

11/10/2021 07:27 Sáng

"Nhà máy thông minh" của Nissan hầu như không có bất kỳ công nhân nào. Nhân công tại đây là các robot đảm nhiệm nhiều công việc bao gồm cả hàn và lắp ráp.

Cảnh báo doanh nghiệp về mã độc mã hóa dữ liệu ransomware mới

24/07/2024 02:01 Chiều

Trong nửa đầu năm nay, không gian mạng Việt Nam đã xảy ra một số sự cố tấn công ransomware, gây thiệt hại và làm gián đoạn dịch vụ trực tuyến của các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chứng khoán, năng lượng, viễn thông,

Đối tác