Ẩm thực đã thật sự trở thành một hình thức để thu hút khách du lịch, đi đâu khách du lịch cũng hỏi “ăn món gì”, “ăn ở đâu ngon”.
Khu ẩm thực tại phố đi bộ Kỳ Đài Quang Trung (Q.10)
Ẩm thực níu chân khách du lịch
TP.HCM có ẩm thực phong phú, đa dạng, từ các món ăn trong các nhà hàng, khách sạn nổi tiếng đến những món ăn đường phố. Khách thập phương đặt chân đến TP.HCM không thể bỏ qua đặc sản nơi đây. Đó cũng là lợi thế để phát triển du lịch.
Từ Nha Trang vào TP.HCM du lịch, chị Trần Kim Lý (du khách) chia sẻ: “Mỗi lần đến TP.HCM, tôi đều không thể không thưởng thức những món như: Bánh mì Sài Gòn, cơm tấm Sài Gòn, gỏi khô bò Sài Gòn, phở Sài Gòn… Những món ăn này tuy đơn giản, xuất hiện khắp đường phố TP.HCM nhưng chiếm được lòng du khách. Nếu đến nơi này mà không dành thời gian để thưởng thức ẩm thực của TP.HCM thì thật là đáng tiếc”.
Du khách thưởng thức ẩm thực tại Khu du lịch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh)
Trong khi đó, bạn Thái Kim Linh (du khách đến từ Hà Nội) cho rằng, món ăn là một trong những yếu tố quan trọng chinh phục khách du lịch. “Đối với em, bánh mì ở đâu cũng có nhưng lâu lâu vẫn nhớ đến bánh mì Sài Gòn. Thế là mỗi khi có cơ hội vào TP.HCM em lại lân la khắp đường phố ăn bánh mì, bánh tráng nướng… Những món ăn này không quá đắt, phù hợp với túi tiền của những bạn trẻ như em”, Linh chia sẻ.
Việc phát triển du lịch ẩm thực được ngành du lịch TP.HCM xác định là hướng đi tiềm năng và đang đẩy mạnh phát triển để thu hút khách trong và ngoài nước đến TP.HCM. Vì lẽ đó, thành phố đã phát triển những con phố ẩm thực như: Bùi Viện (Q.1), phố đi bộ ẩm thực Kỳ Đài Quang Trung (Q.10), phố ẩm thực đường Hà Tôn Quyền (Q.11), phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Q.10)… Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hiện tại những con phố này đã hoạt động lại và thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi, ăn uống khi về đêm.
Du khách tìm hiểu về món mắm làm sẵn
Theo anh Lâm Đình Tuấn (người dân TP.HCM), đi chơi hay du lịch bất cứ đâu thì nhu cầu ăn không thể thiếu. “Những khu phố ẩm thực đang có tại TP.HCM là một trong những yếu tố thu hút khách đến TP.HCM vui chơi, thưởng thức ẩm thực”, anh Tuấn bày tỏ.
Nghiên cứu thêm món ăn mới
Bên cạnh những món ăn truyền thống, các chuyên gia, đầu bếp TP.HCM vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những món ăn mới nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có. Chương trình “Ẩm thực không biên giới” do Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cùng Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn phối hợp thực hiện trong thời gian qua nhận được nhiều ủng hộ của giới chuyên môn. Chương trình thực hiện mỗi tuần một số với mỗi chủ đề khác nhau đã góp phần tôn vinh ẩm thực của từng vùng miền đến người dân, du khách.
Với chủ đề thứ VII “Mắm Nam bộ và các chàng trai đẹp” đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu, thưởng thức. Theo đó, chương trình đã giới thiệu những món khai vị có sử dụng các loại mắm Nam bộ khác nhau trong thành phần nguyên liệu như: Món măng cụt kẹp mắm trẹt; Chả giò mắm cuốn rau cải tôm chua; gỏi cuốn; kem mắm… Đó là những món dân dã, bình dị nhưng lại có hương vị hấp dẫn.
Du khách tìm hiểu những món ăn đường phố tại TP.HCM
Nói về chương trình này, ông Chiêm Thành Long (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam) cho biết, lâu nay, có một số món ăn truyền thống chỉ quanh quẩn ở gian bếp quê. Qua quá trình nghiên cứu những người đầu bếp đã quyết định sáng tạo món mới từ món ăn truyền thống. Chẳng hạn món mắm Nam bộ, món này nặng mùi nên không phải ai cũng thích ăn. Tuy nhiên, khi các đầu bếp biến tấu thành kem mắm thì mùi vị giảm đi rất nhiều. Như vậy, du khách nước ngoài đến Việt Nam có thể thưởng thức, giúp đưa món mắm ra thế giới.
Theo TS. Nguyễn Nhã (nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt), TP.HCM có hàng ngàn món ăn hấp dẫn, trong đó có những món tồn tại hàng thế kỷ. Chúng ta phải quảng bá, lan tỏa những món ăn đó để không chỉ người Việt mà bạn bè quốc tế đều biết đến và tìm đến trải nghiệm, thưởng thức. |
NSND Kim Xuân khẳng định: “Dù mỗi người có mỗi khẩu vị khác nhau nhưng việc sáng tạo từ các món mắm rất hay. Bởi như vậy giúp cho món mắm Nam bộ bay xa hơn, đi vào các nhà hàng, khách sạn lớn chứ không chỉ gói gọn ở những gian bếp chốn thôn quê mà mọi người từng nghĩ”.
Chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh cho rằng: “Ẩm thực là con đường tiếp cận nhanh chóng và gần gũi, sẽ rất phù hợp khi dùng ẩm thực để phát triển du lịch”.
Ông Lý Sanh (nguyên Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn) cho biết: “Từ lâu, chúng tôi đã rất muốn khai thác nền ẩm thực của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Chúng tôi đã có ý tưởng đưa bếp ăn ra thế giới nhưng chưa làm được. Chúng tôi hy vọng với lợi thế của du lịch có thể lan tỏa đặc sản của TP.HCM đến với du khách trong và ngoài nước”.
Với hướng đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực, thời gian tới, TP.HCM kỳ vọng đón đông đảo du khách nội địa lẫn quốc tế.