TP.HCM tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công

09/10/2024 11:21 Sáng

Chiều 8-10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần 33 để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm; xem xét, đánh giá các giải pháp, khả năng thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 và quán triệt Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành TP.HCM.

Kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP đã tập trung triển khai những giải pháp đồng bộ, toàn diện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như các nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM. Qua quá trình triển khai, thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; nhiều hoạt động, chương trình, đề án lớn được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt đúng theo yêu cầu, tiến độ đã đề ra như công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần 12 của Đảng bộ TP.HCM; tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế TP; Đại hội MTTQ Việt Nam TP.HCM lần 12… Ngoài ra, TP đã hoàn thành nội dung quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn 27 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung Chỉ thị 35.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đến nay kinh tế – xã hội của TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực như tăng trưởng GRDP quý sau cao hơn quý trước, quý 3 tăng 7,33%, 9 tháng ước tăng 6,85%. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Nên cho rằng một số chỉ tiêu chủ yếu còn chậm tiến độ hoặc chưa đạt như: Thu hút đầu tư phát triển; giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ một số dự án hạ tầng trọng điểm; nhiều vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm…

Toàn cảnh hội nghị lần 33, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Do đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các đại biểu chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế, yếu kém dẫn đến chưa đạt những chỉ tiêu đề ra; dự báo những khó khăn, thử thách. Đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, đề ra những giải pháp tạo sự chuyển biến trong 3 tháng cuối năm; đề xuất các nhóm giải pháp để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 98, Nghị định 84 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM. Đặc biệt các giải pháp đẩy mạnh vốn đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư phát triển… Nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất đối với 26 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM đã đề ra.

Tập trung cao độ giải ngân đầu tư công

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đến nay, TP.HCM mới giải ngân hơn 20% vốn đầu tư công của năm. Ông Mãi cho rằng đây là vấn đề cần thảo luận, góp ý để TP hoàn thành nhiệm vụ năm, tiến tới hoàn thành nhiệm vụ của nhiệm kỳ. Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ giải quyết các vướng mắc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ; rà soát lại, kịp thời thực hiện được chỉ tiêu cải cách hành chính, chỉ số PCI của TP, quận huyện và từng ngành; tập trung cao độ giải ngân đầu tư công; tập trung triển khai Chỉ thị 12 của UBND TP.HCM về thúc đẩy tăng trưởng, để đảm bảo tăng trưởng của năm nay đạt 75% và đến 2025 đạt 80%…

Đặc biệt, về đầu tư công, đến nay TP.HCM mới giải ngân được 16.000 tỷ đồng, còn lại 63.000 tỷ đồng. Theo ông Mãi, đối với 63.000 tỷ đồng này chia làm 5 nhóm và phải giải ngân chậm nhất là đến tháng 1-2025 phải xong. Cụ thể, nhóm giải ngân cho giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là 12.876 tỷ đồng; dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi khoảng 5.092 tỷ đồng; 2 đoạn của dự án đường vành đai 2 ở TP.Thủ Đức 7.600 tỷ đồng và các dự án giải phóng mặt bằng khác.

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Nhóm các dự án đầu tư công mới khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó có những dự án lớn như thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ là 1.200 tỷ đồng…; nhóm các dự án đang thực hiện là 9.600 tỷ đồng; nhóm giải quyết khó khăn, vướng mắc thủ tục hơn 10.000 tỷ đồng; nhóm Metro số 1 là 4.000 tỷ đồng; nhóm các dự án vướng mắc thủ tục ở TP.HCM, chủ yếu ở quy hoạch… “Rất mong các đồng chí bí thư, chủ tịch quận huyện và TP.Thủ Đức hết sức quan tâm, đôn đốc, tháo gỡ các vấn đề có liên quan để giải ngân” – ông Mãi nói.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM đã biểu dương những kết quả tăng trưởng kinh tế – xã hội mà TP.HCM đạt được trong 9 tháng đầu năm. Ông Nên cho biết, hội nghị đã thống nhất 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM trình tại hội nghị. Trong đó, các tháng cuối năm TP ưu tiên các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 và một số nhóm nhiệm vụ Nghị định 84 thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị tập trung cao độ cho giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất trong quý IV; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình dự án trọng điểm. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cùng với các động lực tăng trưởng mới.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, hội nghị thống nhất việc khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; tập trung hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị trình Quốc hội dự án đường vành đai 4, đề án đường sắt đô thị, Trung tâm Tài chính quốc tế…; rà soát đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho các chương văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; phát triển mạng lưới trường học, đề án giáo dục thông minh và đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo giaoducthanhpho

Cùng chuyên mục

Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

17/09/2023 11:45 Chiều

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

VIB dự kiến chia cổ tức 35% trong năm 2022, tăng trưởng bền vững và hiệu quả dẫn đầu ngành

23/02/2022 06:47 Chiều

Theo đó, Ngân hàng đặt ra định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 5 năm 2022 - 2026, đề xuất ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh trong năm nay cùng một số vấn đề trọng yếu khác. Đại hội sẽ được tổ chức ngày 16/3/2022.

Đầu Tư 2021: 4 Phong Cách Đầu Tư Không Bao Giờ Lỗi Thời!

06/05/2021 03:55 Chiều

Thị trường luôn biến động, thế nhưng có những phong cách đầu tư luôn hiệu quả bất chấp những thay đổi khôn lường của thị trường. Dưới đây là một số phong cách đầu tư an toàn và không bao giờ lỗi thời mà nhà đầu tư mới nên cân nhắc.

NHNN tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) lần 2 trong tháng

25/05/2024 01:30 Chiều

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO. Trước đó, trong phiên ngày 23/4, lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá đã được tăng từ 4% lên 4,25%/năm.

Tín hiệu khả quan xuất khẩu các dòng sản phẩm rau quả chế biến

21/04/2023 09:56 Chiều

Theo thống kê của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu suy giảm xuất khẩu, thế nhưng ngành hàng rau quả lại có tín hiệu phát triển, đặc biệt là với những dòng sản phẩm rau quả chế biến.

Đối tác