Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát biểu tại hội thảo
Ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở TT-TT, ông Đỗ Tiến Thăng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn TT-TT (Viện Chiến lược TT-TT) chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đại biểu đại diện UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức, sở ngành và tổng biên tập các cơ quan báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết đây là lần đầu TP.HCM xây dựng chiến lược truyền thông cho giai đoạn 8 năm. Lãnh đạo TP khẳng định vai trò của truyền thông rất lớn và Bộ TT-TT đã thống nhất giao Viện Chiến lược TT-TT phối hợp với UBND TP.HCM, Sở TT-TT thực hiện chiến lược này.
“Qua 2 lần khảo sát, đến nay truyền thông cần phải có trọng tâm và có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của TP.HCM. Đặc biệt chiến lược này được yêu cầu ra đời sau giai đoạn TP kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 để xây dựng lại hình ảnh mới hay hơn, đẹp hơn và giàu cảm xúc hơn”, ông Từ Lương nói.
“Hội thảo là dịp để có nhiều chất liệu, củng cố cho nội dung thiết thực để chúng tôi tiếp thu, hoàn chỉnh triển khai chiến lược có hiệu quả, thực chất trong thời gian tới”, ông Từ Lương nói thêm.
Hiện TP.HCM có 19 cơ quan báo chí, trong đó có 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. TP còn có 22 đài truyền thanh cấp huyện; 113 đài truyền thanh/312 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, 21 quận huyện đều có trang cổng thông tin điện tử, trong đó có các chuyên mục hoạt động xã, thị trấn, dự án – hạng mục đầu tư, tạo điều kiện cho người đọc tìm hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Riêng TP.Thủ Đức có 34 trang thông tin điện tử cấp xã.
Ngoài các cơ quan báo chí của địa phương, còn có các cơ quan báo chí trung ương, nước ngoài đóng trên địa bàn TP.
Theo dự thảo Chiến lược truyền thông của chính quyền TP.HCM giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030, TP.HCM là một trong những địa phương có hệ thống thông tin truyền thông, báo chí phát triển mạnh mẽ nhất cả nước. Cơ sở kỹ thuật phục vụ truyền thông, báo chí tương đối đồng bộ, hiện đại, nguồn lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đông đảo.
Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, báo chí TP đã phát huy vai trò chủ động, tính tiên phong, gương mẫu, khách quan, kịp thời và chính xác đối với các vấn đề thời sự được xã hội, dư luận quan tâm. Báo chí có vai trò tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước nói chung, của TP nói riêng; là một diễn đàn để người dân thể hiện các tâm tư, nguyện vọng đóng góp ý kiến của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay công tác truyền thông của TP còn có hạn chế, khó khăn như tần suất, mức độ tuyên truyền; nội dung, hình thức và cách thức chưa đa dạng, phong phú, thiếu các sản phẩm truyền thông hấp dẫn, chất lượng. Đặc biệt các kênh truyền thông chưa đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng, chưa tận dụng các phương tiện truyền thông mới trong xu thế chuyển đổi số; công tác truyền thông chưa được coi trọng đúng mức.
Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược truyền thông thật sự cần thiết, góp phần tiếp cận tối đa, trực tiếp và hiệu quả; đồng thời, truyền tải thông điệp tới các đối tượng truyền thông trên cơ sở sử dụng phương tiện truyền thông đa dạng và phù hợp.
Ông Đỗ Tiến Thăng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn TT-TT, cho biết mục tiêu chiến lược nhằm thực hiện truyền thông, quảng bá trên tất cả các phương tiện nhằm phát huy những thế mạnh, những vẻ đẹp, tiện ích của TP trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh.
Truyền thông, cung cấp thông tin có định hướng, phù hợp với tất cả các nhóm đối tượng, với đặc thù các địa điểm trong và ngoài nước, với từng thời điểm. Chiến lược truyền thông triển khai phù hợp với đường lối, chủ trương, quan điểm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, định hướng phát triển của TP. Coi trọng chất lượng và phù hợp với các đặc trưng của từng địa điểm và cộng đồng.
Ngoài ra, mục tiêu nhằm đa dạng phương thức truyền thông để có thông tin đa dạng, phong phú, gắn với nội dung của chiến lược phát triển TP bền vững, bám sát tình hình thực tế. Phát huy thế mạnh của công nghệ số thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, thiết bị thông minh nhằm tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng trong và ngoài nước.
Chiến lược truyền thông thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông chủ động, thường xuyên, liên tục. Phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tăng hiệu quả của các bộ phận thực hiện, sẵn sàng trước các tình huống đột xuất. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; lồng ghép công tác tuyên truyền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, kế hoạch của các cơ quan, đơn về địa phương thuộc TP.
Ông Đỗ Tiến Thăng cho biết thêm, phạm vi chiến lược là sử dụng các phương thức truyền thông phù hợp bao gồm truyền thông truyền thống, truyền thông số thực hiện quảng bá hình ảnh của TP trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện các sở ngành, cơ quan báo chí đã đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược truyền thông của TP. Đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP cho rằng cần xây dựng khung tiếp cận chiến lược. Bởi truyền thông đi từ nguồn thông tin, từ các nội dung, các phương tiện truyền tải mới đến được người dân. Việc đi theo khung tiếp cận sẽ có được nội dung thông tin mạch lạc.
Đại diện Báo Thanh niên nhấn mạnh đến việc cần bám theo xu hướng truyền thông xã hội để sáng tạo ra nội dung mới. Đồng thời, phát huy vai trò của các đơn vị doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc cung cấp các ứng dụng, nền tảng trên thiết bị di động.
Đến từ Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Ngọc Phước – Tổng biên tập cơ quan này đánh giá chiến lược truyền thông góp phần vẽ nên hình ảnh chính quyền không chỉ đối với người dân TP mà cả người nước ngoài đến du lịch, hợp tác đầu tư, do đó chiến lược phải kỹ, thông tin phải sát. Đồng thời, ông đề xuất cần đẩy mạnh phối hợp các cơ quan báo chí để chiến lược truyền thông thực hiện tốt; cũng như triển khai các thế mạnh từng báo để phục vụ chiến lược trên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh chính trị… Cạnh đó, cần tạo cơ chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan chức năng TP với các cơ quan báo chí để có sự chủ động trong việc đưa thông tin đến người dân…
Minh Phương