TP Hồ Chí Minh kiến nghị ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

07/12/2021 11:10 Sáng

 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị, trong gói hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn, ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ cho nhóm DN này tuy ít nhưng hồi phục nhanh và giải quyết được nhiều lao động trong xã hội.

Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong kỷ nguyên số” sáng 6/12, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau nhiều tháng đối mặt với dịch bệnh COVID-19, TP đã bắt tay vào kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội (KT – XH), phấn đấu lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng và là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP đã xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển KT – XH phù hợp trong điều kiện mới. Trong kế hoạch tổng thể về phục hồi KT – XH, TP đặt quyết tâm biến nguy thành cơ, biến đau thương thành hành động, và gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển y tế, chăm lo sức khỏe người dân và chiến lược an sinh xã hội.
Theo đó, Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH của TP Hồ Chí Minh được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (đến hết năm 2022) là khắc phục những hệ lụy, khôi phục những đứt gãy của chuỗi sản xuất và cung ứng; hỗ trợ DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; chăm lo chính sách an sinh và các hoạt động văn hóa – xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với đại dịch.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
để kinh tế sớm phục hồi.
Giai đoạn 2 (từ năm 2023 đến năm 2025 và những năm tiếp theo) là giai đoạn tăng tốc, triển khai các chương trình, giải pháp đã được chuẩn bị theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ TP Lần thứ XI, giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP.
Theo ông Võ Văn Hoan, để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT- -XH giai đoạn 2022 – 2025, TP đang tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp chính:
Nâng cao chất lượng nền kinh tế, chọn lọc các phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi các giá trị ngành và lĩnh vực để tập trung đàu tư mọi nguồn lực nhằm phát triển, gắn với phát triển khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao của TP.
Tái cấu trúc lại các KCN và khu chế xuất (KCX) theo hướng giảm dần các DN thâm dụng lao động, khuyến khích các DN trong KCX, KCN từng bước đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN và quy trình sản xuât thông minh.
Tổ chức thành công diễn đàn kinh tế TP vào tháng 4/2022 với chủ đề “Chuyển đổi số – động lực tăng trưởng và phát triển KT – XH hậu COVID-19”. Qua đây, TP sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.
Khai thác có hiệu quả các quỹ đất, các nguồn tài sản công, tạo thêm nguồn lực cho TP để tiếp tục đầu tư, phát triển, chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN mạnh dạn đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh thông qua chương trình kích cầu đầu tư và các hình thức để triển khai hỗ trợ DN theo thẩm quyền.
Dành nhiều nguồn lực hơn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, hướng đến hoạt động nghiên cứu ứng dụng.
Làm tốt công tác quy hoạch TP, quy hoạch cấu trúc không gian đô thị theo hướng đa trung tâm hướng đến các chuẩn mực của TP toàn cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để góp phần tạo động lực cho quá trình khôi phục và phát triển kinh tế của TP, TP kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng của khu vực phía Nam, có tính chất thúc đẩy và tạo động lực cho tăng trưởng phát triển KT liên vùng. Tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 – 2025 tương ứng với khả năng cân đối vốn của TP.
Trong gói hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Chính phủ, UBND TP đề xuất quan tâm nhiều hơn, ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Đây là những DN chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, là những DN sau COVID-19 bị thiệt hại nặng nề và nhiều trường hợp phải đóng cửa, phá sản, những DN ko có tài sản để thế chấp, để tiếp cận các nguồn vốn. Hỗ trợ cho những DN này tuy ít nhưng hồi phục nhanh và giải quyết được nhiều lao động trong xã hội”, ông Hoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh kiến nghị hoàn thiện cơ chế hội đồng vùng, quy chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả vai trò kinh tế của các vùng kinh tế, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo DNVN

Cùng chuyên mục

Tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo

16/08/2023 06:04 Chiều

Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15 tháng 8 năm 2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.

Ngành nông nghiệp Việt Nam và mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 54 tỷ USD

05/07/2024 09:40 Chiều

Ngành nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây, và hiện nay, mục tiêu của ngành là tăng cường xuất khẩu nông sản để đạt mức 54 tỷ USD.

Chuỗi cung ứng toàn cầu hướng về Đông Nam Á

06/06/2022 05:29 Sáng

Giới phân tích nhận định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài do các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc cũng như xung đột quân sự Nga – Ukraine đang giúp củng cố vị thế của Đông Nam Á trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Người dân rút ròng 23.400 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng trong 1 tháng

24/01/2022 03:21 Chiều

Tính chung 11 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư chỉ tăng gần 2,63% - mức tăng trưởng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Giá nguyên vật liệu tăng: Linh hoạt thích ứng

14/06/2022 05:28 Sáng

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, cộng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu gia tăng. Các doanh nghiệp hiện còn phải đối mặt với việc khan hiếm nguồn nguyên liệu cung ứng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng nguồn cung từ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Đối tác