Quy hoạch phân khu của khu đô thị Tây Bắc, huyện Củ Chi, TP.HCM, đang được xem xét điều chỉnh giảm quy mô diện tích từ 6.084ha xuống 4.410ha.
Theo đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã có kiến nghị gửi UBND TP.HCM xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức lập quy hoạch phân khu của khu đô thị Tây Bắc theo hướng thay đổi quy mô diện tích khu đô thị giảm từ 6.084ha xuống còn 4.410ha; tách khu dân cư hiện hữu với dân số quy hoạch khoảng 85.000 người, đến năm 2025; điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 người lên 600.000 người cho toàn khu; giảm diện tích khu đào tạo đại học từ 306ha xuống khoảng 150ha và giữ nguyên quy mô đào tạo, nghiên cứu…
Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM sẽ có một “vành đai đa năng” dành cho thương mại, kinh doanh, nghỉ dưỡng và giải trí. Một “hành lang” chạy giữa kênh Đông và kênh Thầy Cai là hành lang cảnh quan.
Một “trục sáng tạo” cho các lĩnh vực mới phát triển như các hoạt động gắn với sinh thái, văn hoá và thể thao. Các “dải” được sử dụng để tạo ra đặc trưng của đồ án, chúng phân chia thành các dải: sống, làm việc, vui chơi.
Khu đô thị Tây Bắc bao gồm 02 trung tâm lớn (cấp vùng), 01 đô thị cửa ngõ và 04 trung tâm đô thị nhỏ.
Các nội dung này cơ bản phù hợp nhiệm vụ quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và cập nhật vào đồ án quy hoạch chung của thành phố.
Trên cơ sở có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho khu đô thị Tây Bắc.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, việc thành phố xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho khu đô thị Tây Bắc để phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết.
Thành phố mong muốn việc điều chỉnh sớm thực hiện, sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong toàn khu; đặc biệt những khu dân cư hiện hữu sau khi được điều chỉnh thì quyền lợi chính đáng của người dân sẽ được đảm bảo.
Được biết khu đô thị Tây Bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 và sau đó cập nhật, kế thừa trong Quyết định số 24 năm 2010.
Năm 2005, UBND TP.HCM cũng phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 tại Quyết định số 6079 và tiếp tục phê duyệt tại Quyết định số 4919 (ngày 29/10/2009) với quy mô dân số 300.000 người.
Thành phố xác định đây là khu đô thị mới hiện đại, sinh thái, phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo môi trường sống tốt.
Thành phố đã tiến hành lập và phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trong toàn bộ khu đô thị Tây Bắc; tập trung kêu gọi đầu tư, thực hiện nhiều giải pháp, từ cơ chế chính sách, các giải pháp quản lý.
Tuy nhiên, đến nay khu đô thị này vẫn chưa triển khai được theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân là do việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch khu đô thị chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện. Đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo quốc lộ 22, với tổng diện tích khoảng 1.674,2ha.
Quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm nay đã ảnh hưởng không ít đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện. Quyền lợi chính đáng về đất đai, nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Không những vậy nguồn lực đất đai bị lãng phí lớn.
Do các nội dung trên quy định tại Quyết định số 24/QĐ-TTg thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay thành phố đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Tuy nhiên, nếu chờ đến khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được duyệt rồi mới bắt đầu thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc thì thời gian để phê duyệt sẽ kéo dài 2 – 3 năm, không đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của khu đô thị.
Chính vì vậy TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch để phù hợp thực tế và dễ dàng trong việc kêu gọi đầu tư, chỉnh trang đô thị.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị này còn nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp.
Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc – Tây Bắc xuống Nam – Đông Nam – Tây Nam; Hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP.HCM cũng sẽ bị ngập rất nhiều khu vực.
TP.HCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, TP. Thủ Đức).
Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam – Tây Nam – Đông Nam thuộc các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, một phần TP. Thủ Đức.
Vùng cao nằm ở phía Bắc – Đông Bắc – Tây Bắc thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp, một phần quận TP. Thủ Đức.