Triển khai gói thầu 9.000 tỉ đồng tại Tân Sơn Nhất

15/08/2023 07:46 Chiều

Nhà ga T3 sau khi hoàn thành có công suất 20 triệu hành khách/năm. Cùng với việc đầu tư cho giao thông, công trình này sẽ giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).
Thực hiện trong 600 ngày
Liên danh 6 tổng công ty và công ty đã trúng thầu gói thầu số 12 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3. Đó là Tổng Công ty CP Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty CP Xây dựng số 1, Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons và Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.
Giá trúng thầu gói 12 là 9.034,126 tỉ đồng, đã bao gồm thuế GTGT và các phí liên quan. Liên danh này đáp ứng yêu cầu về hồ sơ năng lực kỹ thuật và trúng thầu khi bỏ thầu thấp hơn giá công bố hơn 22 tỉ đồng.
Triển khai gói thầu 9.000 tỉ đồng tại Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là loại hợp đồng theo giá kết hợp, thời gian thực hiện là 600 ngày kể từ khi ACV phát lệnh khởi công và bàn giao mặt bằng chính thức cho nhà thầu để thi công công trình.
Trước đó, hồi tháng 7-2023, Tổng Giám đốc ACV đã phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu 12. Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính được tổ chuyên gia hoàn thiện ngày 1-8. Ngày 7-8, ACV và liên danh hoàn thành việc thương thảo hợp đồng. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 12 được ký ngày 9-8.
Ngày 10-8, ACV đã gửi thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói 12 tới 2 liên danh nộp hồ sơ dự thầu. Trong đó, liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ được 729,38 điểm kỹ thuật, không đạt yêu cầu tối thiểu theo yêu cầu hồ sơ mời thầu. Liên danh Hòn Ngọc Viễn Đông cũng đã có đơn khiếu nại, đề nghị bên mời thầu làm rõ kết quả đánh giá hồ sơ kỹ thuật.
Năm 2025 đưa vào khai thác
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được khởi công vào tháng 12-2022, do ACV làm chủ đầu tư, có tổng chi phí 10.986,593 tỉ đồng từ nguồn vốn của ACV. Dự án được chia làm 14 gói thầu.
Triển khai gói thầu 9.000 tỉ đồng tại Tân Sơn Nhất - Ảnh 3.
Với công suất 20 triệu hành khách/năm, sau khi hoàn thành, nhà ga T3 sẽ giải quyết tình trạng dồn ứ hiện nay.
Trong đó, gói thầu 11 – thi công phá dỡ, làm nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình – được khởi công vào tháng 12- 2022 và đã đạt hơn 96% giá trị hợp đồng. Đến nay, các bên liên quan đã hoàn thành đấu thầu hạng mục thân nhà ga và chuẩn bị triển khai.
Nhà ga T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1. Công trình được thực hiện đồng thời với các dự án mở rộng đường giao thông kết nối, nhằm giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
ACV đang đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cuối cùng để có thể ký hợp đồng gói thầu xây lắp quan trọng nhất của dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 ngay trong đầu tuần này. Dự kiến, gói thầu sẽ khởi công trong tháng 8-2023. Như vậy, theo kế hoạch, nhà ga này sẽ đưa vào khai thác vào năm 2025.
3 trong 6 doanh nghiệp có tên trúng gói thầu 12 gồm Tổng Công ty CP Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty CP Xây dựng số 1 và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons là 3 nhà thầu góp mặt trong liên danh Vietur đang đấu thầu gói 5.10 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành, trị giá hơn 35.000 tỉ đồng.
Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ. Liên danh này đã vượt qua vòng kỹ thuật, hiện chủ đầu tư đang chấm vòng tài chính và chưa công bố kết quả chấm thầu.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 8, ngay sau khi Vietur nhận thông báo đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, là liên danh duy nhất được “vào vòng trong” đối với gói thầu trị giá 35.000 tỉ đồng, phía liên danh Hoa Lư đã có đơn khiếu nại khẩn cấp về thông báo này vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm. ACV sau đó ra công văn phản hồi, khẳng định tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đã được chủ đầu tư phê duyệt căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã được thẩm định.
Dương Ngọc (theo NLĐ)

Cùng chuyên mục

Thu ngân sách nhà nước đạt 39,8% dự toán

08/05/2023 03:45 Chiều

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt ước đạt 645,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán, bằng 95% so cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, GDP đạt từ 6,7 – 6,9%

16/07/2022 11:32 Chiều

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1, và 6,9% trong kịch bản 2.

Lãi suất cho vay có sớm tăng trở lại?

02/05/2024 02:08 Chiều

Lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó. Diễn biến này khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng liệu lãi suất cho vay có sớm bắt nhịp đà tăng trở lại?

Hoàn thành nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất, Nội Bài

11/01/2021 02:38 Chiều

TP HCM - Hai d​ự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài tổng đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng hoàn thành giai đoạn một ngày 10/1, đảm bảo phục vụ Tết.

Đối tác