“Hộ chiếu vắc xin” là khái niệm mới, nhằm chỉ những người xuất nhập cảnh đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận – đối tượng có thể coi là an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nhiều nơi. Nếu việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” được triển khai, Việt Nam có thể đón những du khách quốc tế có chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cho phép họ được thực hiện các hoạt động du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam như một người bình thường.
Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành dịch vụ du lịch và hàng không Việt Nam, cũng như hầu hết các quốc gia khác. Thị trường du lịch quốc tế gần như đóng băng cả năm nay, việc đi lại giữa các quốc gia trở nên khó khăn chưa từng thấy kể từ khoảng 1 thế kỷ gần đây. Nếu không sớm được phục hồi, ngành dịch vụ du lịch rất có thể sẽ rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” khi các cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn vắng khách, lực lượng nhân sự tại các công ty dịch vụ lữ hành thất nghiệp kéo dài… Chính vì thế, “hộ chiếu vắc xin” là một trong những giải pháp được mong chờ, có khả năng “giải cứu” ngành dịch vụ du lịch và hàng không ở mức độ tốt nhất có thể.
Trước mắt, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc xin”.
Được biết, một số nước trên thế giới đã bắt đầu chuẩn bị các điều kiện để áp dụng “hộ chiếu vắc xin” nhằm từng bước mở cửa biên giới. Khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên đặt vấn đề áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, bởi đất nước được mệnh danh là “thiên đường du lịch” này đã phải chịu tổn thất rất lớn trong dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian để chuẩn bị áp dụng “hộ chiếu vắc xin” là không hề ngắn. Dù đã có những động thái đầu tiên của quá trình chuẩn bị, nhưng sớm nhất cũng phải đến 1/7 thị trường du lịch quốc tế Thái Lan mới được mở cửa một phần với “hộ chiếu vắc xin”. Một số nước khác cũng có khả năng mở cửa biên giới nhưng cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Điều đó cho thấy các nước bạn vẫn tỏ ra rất thận trọng trong việc mở cửa biên giới.
“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vắc xin, quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Như vậy, có thể thấy hiện đã có giải pháp để mở cửa thị trường du lịch quốc tế, nhưng để hiện thực hóa điều này còn phải có nhiều thời gian cùng các bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Rất cần sớm mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, nhưng không thể vội vàng. An toàn trong phòng chống dịch bệnh vẫn là ưu tiên số 1 trong điều kiện hiện nay.
Theo báo Dân Sinh