Hành trình do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hội LHTN tỉnh…..và các sở ngành địa phương tổ chức nhằm kết nối HST khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam
Tại tỉnh Bình Định, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị liên kết ngành và đối thoại chính sách với nội dung chỉnh là “Diễn đàn: Chuyển đổi số – Động lực từ Thanh niên khởi nghiệp” nhằm tăng cường sự kết nối, giao lưu đối thoại giữa đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp với lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế – xã hội, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ các thông tin về các mô hình khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số thành công, trao đổi về vai trò của thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số tại địa phương, cũng như hiến kế để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số dựa trên nền tảng các lĩnh vực kinh tế then chốt của địa phương.
Tại diễn đàn, một số mô hình khởi nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được giới thiệu tới đông đảo tới lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, nhà đầu tư, các doanh nghiệp như: Mô hình Ứng dụng KH&CN trong sản xuất và phân phối phôi Nấm Bào Ngư trên địa bàn tỉnh Bình Định của anh Nguyễn Xuân Truyện; Mô hình sản xuất các sản phẩm, chén, dĩa muỗng từ mo cau, vỏ dừa thân thiện môi của anh Nguyễn Sơn tịnh với thương hiệu Công ty TNHH Equana Việt Nam; Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, thích ứng với biến đổi khí hậu của anh Trần Bảo Diệp; Mô hình nuôi chồn hương của anh Nguyễn Tấn Tài,…
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định rằng chính quyền xác định khởi nghiệp và chuyển đổi số là chiến lược để đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm kinh tế xã hội năng động của miền Trung và Việt Nam. Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã xúc tiến các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thông qua những chương trình tư vấn, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và kết nối với một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ngoài tỉnh giúp cho các bạn trẻ có định hướng, cách tiếp cận tốt và qua đó truyền cảm hứng, niềm tin để các startup vững bước trên con đường khởi nghiệp. Qua đó hàng năm đã có hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp, hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp, đại diện cho tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo của sinh viên, thanh niên tỉnh Bình Định. Nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo như: “Nâng tầm Bánh ít là gai”; “Cộng đồng rau sạch Chân Nhân” và “Quy Nhơn Discovery”… được công bố và chọn hỗ trợ ươm tạo với trị giá 60 triệu đồng cho mỗi dự án.
Ông Nguyễn Minh Thảo – Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định có trình bày về tình hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Định trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, Bình Định đã ký hợp tác với các doanh nghiệp chuyển đổi số lớn trên cả nước như VNPT, Viettel và các trường Đại học lớn (Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Tôn Đức Thắng) để thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh cho đến năm 2025. Tỉnh cũng kết hợp với FPT để định hướng đưa Phân viện FPT tại TP. Quy Nhơn trở thành một trung tâm đào tạo hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Tỉnh cũng đã khánh thành Trung tâm giám sát đô thị thông minh tỉnh Bình Định với mức độ ứng dụng chuyển đổi số rất cao với 8 dịch vụ đô thị thông minh. Tỉnh cũng đã thành lập công viên phần mềm Quang Trung với các doanh nghiệp lớn về công nghệ (hiện có khoảng 1.000 nhân viên công nghệ đang làm việc), cũng như triển khai Dự án Trung tâm AI mang tầm khu vực tại khu đô thị Long Vân. Tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nông dân ứng dụng thương mại điện tử để phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện có gần 400 hộ đã có ứng dụng thành công. Đối với ngành du lịch, Bình Định cũng đã triển khai Cổng thông tin du lịch để cung cấp thông tin cho khách du lịch và các bên liên quan.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoàng – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định cho biết, Sở đang duy trì một không gian chung dành cho hoạt động khởi nghiệp (gọi tắt là BiHub) có diện tích hơn 200 m2, với trang bị hiện đại, đủ điều kiện để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh.
TS Trần Quý – Viện trưởng Viện Kinh tế số cho biết: “Các startup hiện nay rất cần sự kết nối với các doanh nghiệp đi trước để học hỏi kinh nghiệm; tiếp đến là chính sách chung của tỉnh đối với phong trào khởi nghiệp. Nếu lãnh đạo tỉnh thực sự quan tâm đến các startup thì chắc chắn sẽ tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh. Cuối cùng là vấn đề tài chính, đây là vấn đề cấp thiết với tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặc dù có ý tưởng kinh doanh mới, hay nhưng thiếu vốn thì cũng không làm gì được”.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, Bình Định cần đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, truyền thông, tổ chức các sự kiện chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp; tăng tính liên kết vùng, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với các địa phương khác…Trong thời gian tới, Bình Định trước hết cần tập trung triển khai và cụ thể hóa một số chính sách liên quan về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát các ý tưởng, có cơ chế phối hợp đánh giá, lựa chọn và hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp từng bước hoàn thiện dự án để hình thành, phát triển và thương mại hóa sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong 2 ngày, triển lãm các sản phẩm khởi nghiệp ĐMST cũng đã được tổ chức với sự phối hợp của các cơ quan ban ngành địa phương và sự tham qua của các gian hàng, dự án khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Bình Định và các địa phương lân cận. Triển lãm là cơ hội để các chủ dự án, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ của mình cũng như có cơ hội tìm kiếm khách hàng, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là một hoạt động thiết thực mà Hành trình thanh niên khởi nghiệp ĐMST năm 2021 tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn phục hồi hoạt động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau thời gian dài phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/ 9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn ban hành ngày 10/4/2019. Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (SYS) tổ chức Hội nghị liên kết các ngành và đối thoại chính sách nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bình Định.