Cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 (1.0) cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước; lần 2 (2.0) với động cơ điện và dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt; lần 3 (3.0) với kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. Và hiện tại là cách mạng công nghiệp lần 4 (4.0) với các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo. Các cuộc cách mạng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại và làm thay đổi nhiều mặt của thế giới. Chúng ta đang ở trong thời kỳ có thể chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật và những phát kiến của tương lai: trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data),…
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã nhìn rõ được sự cần thiết của công cuộc chuyển đổi số trên mọi mặt của đời sống xã hội. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Xác định công cuộc chuyển đổi số là yếu tố then chốt, quyết định năng lực cạnh tranh trong ngành ngân hàng, từ rất sớm Vietcombank đã luôn tiên phong đi đầu trong nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong dịch vụ ngân hàng. Với mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số nằm trong top ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, Vietcombank đã và đang triển khai một chương trình hành động chuyển đổi số tổng thể, toàn diện và hiện là một trong những ngân hàng dẫn đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên đi trước đón đầu. Từ đó có thể khẳng định, việc chuyển đổi số đối với Ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược giúp các Ngân hàng cạnh tranh hiệu quả, thu hút lượng khách hàng tiềm năng lớn và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới 4.0. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ chính trị cũng nêu ra quan điểm chỉ đạo các Ngành, lĩnh vực trọng điểm cần nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để nâng cao sức cạnh tranh, làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
Với tầm nhìn đến năm 2030 được nhấn mạnh trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 v/v phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kỳ vọng đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra những mục tiêu cụ thể trong dài hạn liên quan đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN, Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP,… (tầm nhìn đến năm 2025); Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới, Kinh tế số chiếm trên 30% GDP,… (tầm nhìn đến năm 2030) và tiến tới đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh (tầm nhìn đến năm 2045).
Để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới, Chính phủ đã đưa ra các chủ trương, chính sách làm nền móng cho các Ngành, địa phương xây dựng, chuyển đổi hệ thống dữ liệu, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển. Trong đó, việc đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các ban Ngành, các cấp và toàn thể xã hội là điều kiện tiên quyết giúp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta đi đến thắng lợi. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách hội nhập quốc tế,… cũng là những chủ trương cần được ưu tiên và hoàn thiện nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/04/2022 về việc lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm “Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đưa ra các mục tiêu và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030, trong đó có định hướng: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”, với một trong số các nhiệm vụ trọng tâm: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Hòa mình trong dòng chảy chuyển đổi số quốc gia, trong phạm vi lĩnh vực tài chính-ngân hàng, trải qua lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, Vietcombank trong những năm qua luôn tự hào là Ngân hàng đi tiên phong trong các hoạt động tài chính – ngân hàng, đặc biệt là công cuộc chuyển đổi Ngân hàng số. Những chính sách, sản phẩm, dịch vụ,… đi trước đón đầu của Vietcombank luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, xứng tầm với vai trò dẫn dắt thị trường của một ngân hàng chủ đạo và có sức ảnh hưởng lớn.
Với tầm nhìn và sứ mệnh trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam đã và đang được hiện thực hoá, Vietcombank đang từng bước chuyển mình để vươn ra tầm khu vực và thế giới với mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu (tầm nhìn đến năm 2025); giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, trở thành một trong 200 Tập đoàn Tài chính Ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam (tầm nhìn đến năm 2030). Để làm được điều đó, Ban lãnh đạo Vietcombank đã đưa ra các mục tiêu chiến lược cần được hiện thực hóa trong thời gian tới: Trở thành Ngân hàng Số 1 về quy mô lợi nhuận, Dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, Ngân hàng hàng đầu về quản trị rủi ro, Dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Dẫn đầu về quản trị môi trường, xã hội & doanh nghiệp, Phấn đấu phát hành cổ phiếu và niêm yết trên TTCK quốc tế. Có thể thấy, tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu của Vietcombank cũng tiệm cận, bám sát các định hướng, chỉ đạo của Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ, của Đảng và Nhà nước với khát vọng chinh phục những đỉnh cao đóng góp những giá trị thiết thực cho đất nước, cộng đồng, xã hội và ngày càng lớn mạnh, vươn xa ra tầm thế giới.
Trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh đã trở thành yếu tố tiên quyết đối với sự “sống còn” của mỗi Ngân hàng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vietcombank từ rất sớm luôn xác định công nghệ và số hóa là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh. Ngay từ năm 2001, Vietcombank đã tiên phong trong cung ứng dịch vụ số cho khách hàng, bắt đầu với phiên bản Internet Banking đầu tiên cho khách hàng cá nhân và hệ thống VCB-Money cho khách hàng tổ chức.
Trong giai đoạn 2018 – 2023, Vietcombank đã triển khai và đưa vào vận hành nhiều hệ thống mới như: Hệ thống ERP, hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, hệ thống quản trị nguồn nhân lực HCM… và nhiều dự án chuyển đổi, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế. Năm 2019, Vietcombank là ngân hàng lớn đầu tiên tại Việt Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Ngân hàng số và cũng đã khởi động Dự án “Chuyển đổi ngân hàng số” trong năm.
Năm 2020, Vietcombank đưa vào vận hành thành công hệ thống ngân hàng lõi mới (Core Banking Signature) – hệ thống mở ra khả năng xử lý đa dịch vụ với cơ sở dữ liệu tập trung, tốc độ xử lý giao dịch nhanh và theo thời gian thực 24/7. Công nghệ này giúp Vietcombank dễ dàng phát triển sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, quản lý nội bộ hiệu quả và quản trị tốt hơn các rủi ro về thị trường, tín dụng, thanh khoản hay rủi ro tác nghiệp.
Năm 2021, Vietcombank đã ban hành Chương trình hành động chuyển đổi số với 7 nhóm hành động và 15 mục tiêu cùng Kế hoạch chuyển đổi với 304 hành động theo 4 trụ cột: Số hóa (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và Chuyển đổi (Transformation) cùng một lộ trình triển khai chi tiết.
Tháng 07/2020, Vietcombank cho ra mắt VCB Digibank – nền tảng số dành cho khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất 2 hệ thống ngân hàng điện tử là Internet Banking và Mobile Banking. Với mô hình đồng nhất đa kênh, VCB Digibank đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng từ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, tiết kiệm, đầu tư, hỗ trợ thanh toán các dịch vụ công, mua sắm, đặt hoa, vé tàu xe, máy bay,… và gần đây nhất là hỗ trợ thực hiện các giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài. Có thể thấy, VCB Digibank như một ngân hàng thu nhỏ trong tầm tay qua chiếc điện thoại thông minh của mỗi khách hàng, với đa dạng các phương thức xác thực OTP qua cảm biến vân tay, Face ID, SMS OTP, Smart OTP,… VCB Digibank mang lại cho khách hàng ở các độ tuổi, phân khúc khác nhau những trải nghiệm số hiện đại, thân thiện với độ bảo mật và an toàn tuyệt đối cùng với sự nhanh chóng thuận tiện cho khách hàng với khả năng xử lý hàng triệu giao dịch/ngày. Với chính sách miễn tất cả các loại phí gồm: phí đăng ký, phí chuyển tiền, phí duy trì dịch vụ, VCB Digibank thực sự là ứng dụng ngân hàng số dành cho cá nhân đáng trải nghiệm nhất hiện nay. Ngày 04/12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến không cần đến điểm giao dịch. Bắt kịp nhịp thay đổi, tháng 6/2021, Vietcombank triển khai dịch vụ Mở tài khoản trực tuyến với giải pháp định danh eKYC, giúp khách hàng mới có thể mở tài khoản ngay lập tức qua VCB Digibank tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào với thủ tục dễ dàng, nhanh chóng. Ứng dụng VCB Digibank đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc xây dựng các hệ thống thanh toán số, một trong các chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019. Ngày 24/4/2021, tại Hà Nội, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng Sao Khuê 2021. Dịch vụ VCB Digibank của Vietcombank vinh dự được hội đồng giám khảo đánh giá cao và được vinh danh tại lễ công bố và trao giải thưởng Sao Khuê 2021.
Ứng dụng VCB Digibank của Vietcombank dành cho đối tượng khách hàng cá nhân. Nguồn ảnh: Website Vietcombank.
Đối với đối tượng khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank xây dựng các dịch vụ ngân hàng số dành cho từng đối tượng khách hàng riêng biệt: VCB Digibiz với mô hình tinh giản, dễ sử dụng, đồng nhất đa kênh (App/Web) dành cho khách hàng doanh nghiệp SMEs; VCB ib@nking với các mô hình tạo/duyệt lệnh nâng cấp và phức tạp hơn dành cho khách hàng doanh nghiệp; VCB Cashup dành cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn, có mạng lưới rộng khắp và mô hình quản trị phức tạp – là hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp; VCBCC – dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến – giải pháp ngân hàng số dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; các kết nối hệ thống Host to Host/API giúp hỗ trợ giao dịch trực tiếp, liền mạch từ hệ thống kế toán của khách hàng và nhận thông tin tự động từ hệ thống của Vietcombank giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; VCB Money dành riêng cho đối tượng khách hàng là định chế tài chính là giải pháp thanh toán và quản lý dòng tiền từ xa an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Việc xây dựng các dịch vụ ngân hàng số riêng biệt cho từng đối tượng khách hàng giúp Vietcombank dễ dàng phân khúc khách hàng và đáp ứng được nhu cầu của từng phân khúc, từ đó thu hút khách hàng dễ dàng hơn.
Nằm trong lộ trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng tốt hơn, Vietcombank bước đầu sử dụng Trợ lý ảo VCB Digibot trong hoạt động chăm sóc khách hàng hàng trên kênh Website từ ngày 09/07/2022, giúp khách hàng có thêm một kênh hỗ trợ 24/7 hiện đại và thân thiện bên cạnh kênh hotline hiện hữu của ngân hàng. Trước đó, Vietcombank cũng đã tích hợp Trợ lý ảo trên Fanpage từ ngày 08/05/2022.
Năm 2022, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai thành công hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển với Cảng vụ TP. Hồ Chí Minh; ngân hàng đi đầu triển khai chi Thanh toán điện tử qua kết nối thanh toán song phương với bảo hiểm xã hội; tháng 04/2022, Vietcombank chính thức triển khai hóa đơn điện tử (e.Invoice) theo đúng chuẩn dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Đối với kênh ATM, Vietcombank là một trong các ngân hàng đầu tiên phát triển dịch vụ rút tiền mặt bằng mã QR thông qua ứng dụng VCB Digibank, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng trong các trường hợp quên mang thẻ vật lý hoặc thẻ bị cong gãy, giúp tiết kiệm chi phí cho khách hàng, ngân hàng (không cần làm lại thẻ, chỉ cần số thẻ còn hoạt động thì vẫn rút tiền được), tránh được các rủi ro khi thẻ bị nuốt. Ngoài ra, một số R-ATM của Vietcombank còn có tính năng hỗ trợ nộp tiền vào tài khoản qua ATM, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi của khách hàng và giảm áp lực phục vụ trực tiếp tại quầy cho ngân hàng.
Với vị thế là ngân hàng số 1 Việt Nam, Vietcombank là một trong số các ngân hàng vinh dự được Đảng và Nhà nước giao phó trọng trách tham gia vào thực hiện số hóa các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Vietcombank đã và đang nỗ lực hoàn thiện việc kết nối mạng lưới giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ công như: điện lực, BHXH, thuế, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, bệnh viện, trường học, án phí,…nhằm hỗ trợ khách hàng thanh toán thuận tiện, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đầy đủ và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở dịch vụ công quốc gia.
Ngày 08/08/2023 vừa qua, Vietcombank chính thức giới thiệu Apple Pay dành cho chủ thẻ Visa – một phương thức thanh toán an toàn, bảo mật và riêng tư hơn giúp khách hàng tránh việc đưa thẻ thanh toán cho người khác, chạm vào các nút thanh toán vật lý hoặc trao đổi tiền mặt – và sử dụng iPhone để bảo vệ mọi giao dịch. Mỗi giao dịch bằng Apple Pay đều được bảo mật vì được xác thực bằng Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu của thiết bị, cùng với mã bảo mật động dùng một lần. Apple Pay được chấp nhận tại các cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc, hãng taxi, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ và nhiều nơi khác giúp cho việc thanh toán trở nên dễ dàng, an toàn và bảo mật với thẻ Vietcombank.
Công cuộc chuyển đổi số còn được Vietcombank thực hiện trên các nghiệp vụ, hệ thống tác nghiệp nội bộ cũng như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu của ngân hàng: Hệ thống Trục Thanh toán (Payment Hub) đang triển khai nhằm hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của Vietcombank, góp phần nâng cao tốc độ xử lý trong hệ thống, áp dụng chuẩn điện ISO20022 đặt nền tảng cho số hóa toàn diện các dịch vụ thanh toán, tăng cường khả năng quản trị rủi ro đối với sản phẩm, dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ hiện đại. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng cũng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, là cơ sở để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay. Theo đó, Vietcombank đã đưa vào hoạt động hệ thống CLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay khách hàng bán buôn, hệ thống RLOS hỗ trợ phê duyệt khởi tạo khoản vay của khách hàng bán lẻ,… đồng thời, nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng. Trong bức tranh chung của hệ thống thông tin quản trị ngân hàng thương mại, hệ thống LOS xếp vào nhóm các ứng dụng quản trị vòng đời (lifecycle management system), cùng với các hệ thống khởi tạo (originating) như: customer onboard, account openning, credit card originating. LOS giúp quản lý: vòng đời của khoản vay từ lúc tiếp xúc khách hàng cho tới khi khách hàng tới khi khách hàng tất toán khoản vay, theo dõi vòng đời của tài sản bảo đảm và các hồ sơ giấy tờ liên quan, vòng đời của các hợp đồng giải ngân, thu nợ, quản lý nợ có vấn đề, giám sát các cam kết tín dụng. Các phần mềm quản trị tín dụng (LOS – Loan Origination System) giúp bổ sung cho các thiếu hụt của hệ thống core banking.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Vietcombank trong quá trình số hóa đã từng bước gặt hái được nhiều trái ngọt khi đơn vị vinh dự nhận được rất nhiều các giải thưởng danh giá của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước. Có thể kể đến các giải thưởng tiêu biểu: Giải thưởng Ứng dụng ngân hàng di động tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Tạp chí tài chính uy tín hàng đầu châu Á The Asian Banker bình chọn; Giải thưởng Sao Khuê tháng 4/2021 dành cho ứng dụng VCB Digibank trong lĩnh vực kế toán tài chính; tháng 12/2021, ứng dụng Ngân hàng số VCB Digibank của Vietcombank tiếp tục vinh dự nhận Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2021 dành cho hạng mục sản phẩm – Giải pháp chuyển đổi số tiêu biểu do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức; tháng 4/2022, VCB DigiBiz nhận giải thưởng Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trao tặng. Tháng 03/2022, The Asian Banker đã trao tặng Vietcombank giải thưởng Dịch vụ Ngân hàng số tốt nhất Việt Nam. Vietcombank lọt top 500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu, và đồng thời là top 2 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Tạp chí tài chính uy tín hàng đầu châu Á The Asian Banker bình chọn Vietcombank cho 3 giải thưởng quan trọng nhất năm 2020 là “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam”, “Thẻ tín dụng tốt nhất Việt Nam” và “Ứng dụng ngân hàng di động tốt nhất Việt Nam”. Năm 2021, The Asian Banker tiếp tục đánh giá Vietcombank với giải thưởng kép “Ngân hàng được quản trị tốt nhất trong đại dịch Covid-19” và “Lãnh đạo xuất sắc trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Ngày 26/05/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ diễn đàn ngân hàng bán lẻ Việt Nam, Vietcombank đã được Ban tổ chức giải thưởng ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2023 vinh danh và trao tặng 3 giải thưởng: “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu 2023”; “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023”. Việc đồng thời được vinh danh tại 3 hạng mục giải thưởng quan trọng nêu trên có ý nghĩa rất lớn, ghi nhận những nỗ lực, thành tựu cũng như đóng góp của Vietcombank trong năm qua.
Đến nay, Vietcombank đứng đầu về quy mô khách hàng trên kênh số với gần 10 triệu khách thường xuyên giao dịch; 98% giao dịch được thực hiện trên các kênh số. Trung bình mỗi ngày xử lý hơn 4 triệu giao dịch với giá trị gần 34.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Với những kết quả toàn diện và nổi trội đạt được, Đảng bộ Vietcombank đã vinh dự và tự hào được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2022. Vietcombank là Đảng bộ duy nhất của Khối đạt được thành tích này 5 năm liên tiếp. Đánh giá của thị trường đối với Vietcombank cũng hết sức tích cực. Vietcombank giữ vững vị trí là doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam; lần đầu tiên lọt vào danh sách 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu (hơn 16,5 tỷ USD).
Trên hành trình chuyển đổi số, Vietcombank nói riêng và các TCTD khác nói chung cũng không khỏi gặp phải các thách thức: sự đồng bộ giữa khung pháp lý với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng; sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công nghệ giữa Ngành ngân hàng với các ngành khác để tạo sự đồng nhất và hệ sinh thái số đa tiện ích cho khách hàng; bảo đảm an toàn an ninh mạng và cảnh báo người dùng khỏi các cuộc tấn công của các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng như website giả mạo, mạo danh brandname của ngân hàng gửi đường link yêu cầu cung cấp user, password ngân hàng số, lừa đảo cho vay cho app, zalo,….
Tuy vậy, thách thức thì luôn đi liền với cơ hội khi mà công cuộc chuyển đổi số mang lại lợi ích từ vĩ mô đến vi mô, tác động sâu sắc ở quy mô toàn cầu, quy mô quốc gia, mỗi chính phủ đến từng doanh nghiệp, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối với Ngành ngân hàng, chuyển đổi số giúp các TCTD nói chung và Vietcombank nói riêng dễ dàng tương tác, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ nhanh chóng, tiện ích và hiện đại thông qua ứng dụng ngân hàng số trong tầm tay, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng; số hóa các dịch vụ ngân hàng giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng với chi phí rẻ hơn, ngoài ra Chuyển đổi số trong ngân hàng giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, giúp ngân hàng hiểu được tâm lý, hành vi mua sắm, tiêu dùng, mong muốn của khách hàng từ đó hỗ trợ bán chéo các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng một cách có hiệu quả; Chuyển đổi số trong ngân hàng cũng giúp giảm chi phí và đơn giản hóa quy trình, khi các giao dịch truyền thống tại quầy đã được thay thế bằng công nghệ hoặc việc hỗ trợ người dùng đã được thực hiện thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), điển hình là VCB Digibot mà Vietcombank cho ra mắt tháng 07/2022,…
Trí tuệ nhân tạo (AI) – công nghệ của tương lai, góp phần tích cực trong công cuộc số hóa ngân hàng. Nguồn ảnh: Internet.
Vietcombank – với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 là giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, trở thành một trong 200 Tập đoàn Tài chính Ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Với trí tuệ và tâm huyết, Ban lãnh đạo và các thế hệ cán bộ nhân viên Vietcombank đã, đang và sẽ luôn nỗ lực để xây dựng Vietcombank phát triển ngày một bền vững để hoàn thành tốt nhất sứ mệnh và tầm nhìn mà Ban lãnh đạo đề ra, đặc biệt là chiến lược chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng. Để đạt được mục tiêu đó, Vietcombank cần bám sát các nhiệm vụ mà Thủ tướng chính phủ đề ra trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Một là, Nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Thủ tướng chính phủ khẳng định: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”. Tất cả mọi việc muốn thành công đều cần có yếu tố con người cũng như khả năng nhận thức được vai trò của từng cá nhân trong một tổ chức. Đảng ta cũng khẳng định: “Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người; nhân tố con người chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chủ trương: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”. Như vậy, việc đào tạo nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ nhân viên về trách nhiệm của từng cá nhân trong công cuộc chuyển đổi số là vô cùng cần thiết, mỗi cán bộ nhân viên cần trang bị và cập nhật liên tục các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là sản phẩm ngân hàng số, có hiểu biết nhất định nhằm cung ứng tốt sản phẩm đến khách hàng. Ngoài ra, việc đào tạo về công nghệ thông tin, công nghệ số cũng góp phần phát triển nguồn nhân lực của ngân hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển và sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Hai là, Đặt khách hàng là trung tâm trong công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng.
Chuyển đổi số được Vietcombank xác định là mục tiêu hết sức quan trọng trong chiến lược hoạt động đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các năm trở lại đây Vietcombank đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp và đầu tư nguồn lực mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi số toàn diện và lấy phương châm định hướng là đem lại cho khách hàng các trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Cụ thể, Vietcombank thực hiện mạnh mẽ mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm thông qua việc thiết kế các sản phẩm dành riêng cho từng phân khúc khách hàng riêng biệt: phân khúc khách hàng trẻ tuổi (với VCB Digibank, thẻ ghi nợ phi vật lý Digicard, rút tiền, thanh toán bằng mã QR, thẻ đồng thương hiệu,…), phân khúc khách hàng ưu tiên với các chính sách Priority Banking, mở rộng và củng cố hơn mối quan hệ với các Khách hàng doanh nghiệp (KHDN) vừa và nhỏ, KHDN và KHDN lớn thông qua các sản phẩm ngân hàng số ưu việt dành cho từng đối tượng KHDN. Cùng với đó là tập trung và tự động hóa các quy trình giao dịch nhằm cung cấp các dịch vụ chính xác, nhanh chóng và hiệu quả giúp khách hàng được tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời khi giao dịch với Vietcombank.
Ba là, tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng.
Với Slogan xuyên suốt trong quá trình hoạt động: “Chung niềm tin, vững tương lai”, Vietcombank luôn cam kết và đề cao tính An toàn, bảo mật nhằm bảo vệ tối đa lợi ích của khách hàng, cổ đông. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ cũng nêu rõ quan điểm “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số”. Trong đó, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử, tạo lập niềm tin trong môi trường số, hình thành văn hóa số gắn liền với bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản của nhân loại và văn hóa truyền thống của Việt Nam; Xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, điều phối ứng cứu sự cố mất an toàn, an ninh mạng bảo vệ quyền lợi chính đáng của cả người sử dụng và Vietcombank; Xây dựng và triển khai hệ thống xác định, phát hiện thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng và kịp thời xử lý, gỡ bỏ; Thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng,…
Một môi trường ngân hàng số an toàn, bảo mật sẽ giúp tạo lập niềm tin vững chắc cho khách hàng, giúp Vietcombank giữ chân và thu hút khách hàng hiệu quả và bền vững trong dài hạn.
Bốn là, Không ngừng đổi mới, sáng tạo, hợp tác, học hỏi từ quốc tế để luôn dẫn đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Trên thế giới hiện nay, có nhiều công nghệ cốt lõi hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số trong Ngành ngân hàng: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), Internet of Things (IoT), điện toán đám mây,… Chiến lược ngân hàng chuyển đổi số tốt cần bao gồm các công nghệ phù hợp có thể mang lại nhiều giá trị nhất cho cả ngân hàng và khách hàng. Không nằm ngoài xu thế chung của thị trường, với mục tiêu trở thành ngân hàng số một về chuyển đổi ngân hàng số, thời gian qua, Vietcombank đã có những bước đi mạnh mẽ, thể hiện bằng việc chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng các công nghệ nổi bật, tiêu biểu nhằm nắm bắt cơ hội, mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến các đối tượng khách hàng: VCB Digibot ứng dụng công nghệ AI, áp dụng công nghệ blockchain nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng cho chương trình VCB Rewards trên ngân hàng số VCB Digibank,…
Trong thời gian tới, Vietcombank tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ hơn 50 dự án chuyển đổi nâng cao năng lực quản trị điều hành hướng tới chuẩn mực quốc tế, giúp cải tiến mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phát triển các kênh phân phối, quản trị rủi ro hiệu quả như Basel II, Core Banking, CTOM, ERP, RTOM… Những đổi mới, nghiên cứu sáng tạo liên tục không ngừng nghỉ của Vietcombank trong quá trình chuyển đổi số hứa hẹn mang đến nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng, hiện đại cung ứng đến khách hàng, giúp Vietcombank ngày càng tiến gần đến mục tiêu đứng đầu về ngân hàng số với: số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ số lớn nhất; tỷ lệ giao dịch trên kênh số lớn nhất; đứng đầu về hiệu quả vận hành; nền tảng hạ tầng số hiện đại nhất. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp tạo tiền đề cho những mục tiêu trong dài hạn của Vietcombank vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới
Chuyển đổi số ngành ngân hàng không còn là sự lựa chọn mà là xu thế bắt buộc, giúp định hình thương hiệu và sự phát triển trong tương lai của mỗi ngân hàng, gia tăng thị phần khách hàng trong môi trường cạnh tranh ngày nay. Chuyển đổi số ngành ngân hàng không chỉ ứng dụng các công nghệ mới như AI, Blockchain,… mà còn chuyển đổi toàn bộ mô hình, văn hóa kinh doanh, chiến lược phát triển của ngân hàng. Trong Đề án Chiến lược phát triển Ngân hàng Ngoại thương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Vietcombank cũng đã xác định rõ “Ngân hàng số là xu hướng không thể đảo ngược và là tương lai của ngân hàng”. Với việc đầu tư công nghệ từ sớm, bắt kịp sự thay đổi của thời cuộc, những nỗ lực không ngừng nghỉ trong quá trình số hóa ngân hàng đã giúp Vietcombank có những bước đi vững chắc, duy trì và giữ vững phong độ người anh cả trong Ngành ngân hàng. Với truyền thống lịch sử 60 năm lớn mạnh cùng đất nước, đội ngũ Ban lãnh đạo bản lĩnh, xuất sắc cùng hơn 22 nghìn cán bộ nhân viên năng động, nhiệt huyết, sẵn sàng đổi mới, tin rằng Vietcombank sẽ hoàn thành được những sứ mệnh, hiện thực hóa tầm nhìn về vị thế của ngân hàng trong tương lai, vươn mình mạnh mẽ ra tầm khu vực và Thế giới, đóng góp vào sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển ổn định và thịnh vượng trong tương lai không xa.
Tác giả Phạm Ngọc Khuê Chi bộ 3 – Đảng bộ Vietcombank Nam Sài Gòn