Xuất khẩu (XK) hàng hoá tương đối thuận lợi trong những tháng đầu năm. Nhiều ngành hàng lớn như dệt may, da giày… đã có đơn hàng tới tận cuối năm. Song tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn nhập khẩu (NK) nguyên phụ liệu từ Trung Quốc đang đặt ra không ít thách thức.
Giảm công suất, nợ đơn hàng
Dịch Covid-19 đang ngày càng có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Vốn được ví là “công xưởng sản xuất” của thế giới, việc quốc gia này kiên trì chính sách “Zero Covid” đã và đang khiến cho việc NK nguyên phụ liệu của nhiều ngành hàng Việt Nam gặp khó.
Tổng công ty May Đáp Cầu chuyên làm hàng may gia công cho các thị trường lớn và NK tới 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp (DN) này đã nhận đơn hàng đến tháng 9/2022, nhưng điều đáng chú ý là DN đã phải hoãn giao hàng nhiều đơn hàng xuất phát từ việc thiếu nguyên phụ liệu.
Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu cho biết thời gian qua, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến nhiều hàng hóa nguyên liệu đi từ các cảng ở Thượng Hải bị ách tắc, về rất chậm hoặc không về. Hàng về nhỏ giọt, DN buộc phải xé lẻ, rải đơn cho các tổ sản xuất để đảm bảo việc làm cho công nhân. Bình thường 1 mã hàng, DN chỉ sản xuất trong 1 tháng với 1-2 tổ sản xuất nhưng do thiếu nguyên phụ liệu nên một mã lại phải xé lẻ ra, chuyển thành 4-5 tổ khiến cho năng suất lao động giảm.
Dệt may là một trong những ngành hàng điển hình đang chịu nhiều áp lực về thiếu nguyên phụ liêu. Ảnh: Hải Quan Online |
“Với những đơn hàng không có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải đàm phán lại thời gian giao hàng. Tuy nhiên, thời gian giao hàng cũng không thể lùi lại quá chậm bởi điều đó khiến DN phải đối diện với nhiều rủi ro về thanh toán”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói thêm.
Tương tự dệt may, da giày cũng là ngành đang chịu nhiều áp lực về nguồn cung nguyên phụ liệu khi ngành này NK tới 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phong tỏa trên diện rộng khiến nguồn cung ứng bị gián đoạn. Cùng với đó chi phí vận chuyển, logistics rất cao nên DN khó đáp ứng kịp thời các đơn hàng.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thông tin, nhiều nguyên liệu hàng hóa NK từ Trung Quốc của DN Đồng Nai cũng đang trong tình trạng gián đoạn. Nguy cơ bị gián đoạn, giảm công suất kéo theo chậm trễ đơn hàng đặt ra những sức ép vô cùng lớn cho các DN XK.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
Nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ Công Thương đang rốt ráo yêu cầu các hiệp hội, DN có đánh giá, rà soát kỹ lưỡng những tác động của việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Đồng thời, vì chủ trương của Trung Quốc là “Zero Covid” nên DN trong nước cần chủ động thích ứng để có chiến lược phù hợp. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của DN lúc này là sớm cơ cấu lại sản xuất, tìm nguồn cung thay thế khi nguyên liệu và thiết bị không còn nhiều. Các DN cũng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài”, đại diện Bộ Công Thương lưu ý.
Trên thực tế, giải quyết những khó khăn trước mắt, bên cạnh đàm phán với đối tác để cùng chia sẻ rủi ro, giãn thời gian giao hàng, không ít DN cũng đã tính tới phương án tìm nguồn cung mới ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thăng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề không thể triển khai trong “một sớm một chiều” khi Trung Quốc là công xưởng của thế giới, cung ứng nhiều nguyên phụ liệu với giá thành phù hợp. Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu mà May Đáp Cầu NK đều do đối tác chỉ định trước”. Ông Thăng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giúp DN có thêm các đơn hàng mới, mở rộng nguồn mua nguyên phụ liệu.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ DN tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho DN lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.
Khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ các ngành hàng, DN XK trong kết nối cung-cầu nguyên phụ liệu, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất, XK nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép…, đồng thời nghiên cứu, xúc tiến NK nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử…
Đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh, về lâu dài phải có giải pháp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào NK. Trong đó, cần tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…
“Bộ Công Thương đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ để DN tiếp cận trực tiếp, dễ dàng hơn, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng lực, trình độ cải tiến, quản lý và quan trọng nhất là hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng”, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.