Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết theo thống kê Hải quan, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Anh đạt gần 44 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó riêng mặt hàng tôm chiếm 76% với 33,5 triệu USD, tăng 55%. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, mặt hàng này chỉ chiếm 2,7% tỷ trọng giá trị thuỷ sản xuất khẩu sang Anh.
Năm 2021, xuất khẩu tôm chiếm vị trí chủ lực 74% giá trị thủy sản sang Anh, nhưng cũng bị giảm 3,5%. Ngoài yếu tố chi phí vận chuyển tăng, tôm Việt Nam cũng bị áp lực cạnh tranh khốc liệt với tôm Ấn Độ tại thị trường Anh vì giá tôm Ấn Độ thấp hơn, nhất là tôm cỡ nhỏ phù hợp bán lẻ trong bối cảnh COVID-19.
Anh đứng thứ 5 trong số các thị trường đơn lẻ NK thủy sản Việt Nam, chiếm 3,6%, với giá trị 316 triệu USD, giảm 8,3%. Việt Nam đang là nguồn cung cấp thuỷ sản lớn thứ 4 cho thị trường Anh, chiếm 7% thị phần, đứng sau Na Uy và Iceland – 2 quốc gia có thế mạnh về cung cấp cá thịt trắng.
2 tháng đầu năm nay, riêng tôm chân trắng chiếm 69% giá trị XK thuỷ sản sang Anh với 30,4 triệu USD, tăng 54%. Tôm sú chỉ chiếm 2,7% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng gấp 6 lần cho thấy tín hiệu rất lạc quan đối với mặt hàng này tại thị trường Anh.
Sau 1 năm Việt Nam và Anh ký hiệp định thương mại tự do UKVFTA, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam không có sự đột phá vì các cơ chế ưu đãi thuế quan cũng như các quy định, thủ tục liên quan XK sang thị trường này là sự tiếp nối của hiệp định EVFTA ký và thực hiện từ tháng 8/2020.
Nguyên nhân chính dẫn đến XK sang Anh giảm trong năm 2021 là vì dịch Covid khiến cho cước vận tải biển tăng cao. Nhất là trong quý III, Anh là một trong số các thị trường bị giảm mạnh NK từ Việt Nam với gần 30%.
Theo VASEP, trước tình hình xung đột Nga – Ukraine, hệ thống bán lẻ tại Anh đã có động thái tẩy chay sản phẩm thuỷ sản từ Nga. Các siêu thị bán lẻ Asda và Wm Morrison đang loại bỏ một số sản phẩm cá của Nga khỏi kệ bán hàng. Một số dòng cá nguyên con đang bị loại bỏ bao gồm cá minh thái đông lạnh, cá hồi hồng đông lạnh và sản phẩm thăn cá tuyết tươi.
Nga nằm trong top 11 nhà cung cấp cá thịt trắng cho thị trường Anh, nên phản ứng tẩy chay hàng Nga của người Anh có thể là cơ hội cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam tăng thị phần trong những tháng tới. Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 6 tại Anh, chiếm 6% thị phần trong năm 2021.
Chiến sự Nga – Ukraine góp phần làm gia tăng chi phí logistic cho xuất khẩu thuỷ sản, khi giá nhiên liệu tăng vọt và việc đặt container để xuất hàng ngày càng khó khăn, bế tắc. Những yếu tố này đang ảnh hưởng đến hoạt động và lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp sang các thị trường nói chung và sang Anh nói riêng.
Tuy nhiên, với những tín hiệu gia tăng nhu cầu từ thị trường này, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản sang Anh những tháng tới vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2 con số.
Nguồn: tapchicongthuong